“Tủi thân vì giống Hàn Quốc quá”

“Tủi thân vì giống Hàn Quốc quá”
TP - “Cấm những gì mình cho là sai thì tôi cho là hạ sách. Phải lấy cái hay hơn mà đẩy lùi cái kia. Không thì cái càng cấm lại thành ra càng hay.”- nhạc sĩ Phạm Tuyên phát biểu về hiện tượng nhạc thị trường trẻ em hiện nay.

> Hiện tượng 'Nhạc thiếu nhi thị trường': Thảm họa được báo trước
> Hiện tượng 'Nhạc thiếu nhi thị trường': Hơn cả thảm họa

Tiết mục “Thị Màu lên chùa” của chương trình Đồ Rê Mí 2008
Tiết mục “Thị Màu lên chùa” của chương trình Đồ Rê Mí 2008.

Hiện nay nhạc cho thiếu nhi vừa thừa vừa thiếu. Thừa những cái trẻ con không chấp nhận, hoặc nó chấp nhận nhưng lại không phải cái mình mong muốn. Vẫn theo nếp cũ, rất nhiều nhạc sĩ lớn tuổi nghĩ: Viết cho trẻ con là viết tay trái, thích thì viết thôi, mà không để ý đây là một lứa tuổi phát triển rất phức tạp. Và nhận thức đầu đời quãng 9-13 tuổi vô cùng quan trọng.

Khi còn làm thường vụ Hội Nhạc sĩ VN, tôi tự đứng ra đảm nhiệm mảng âm nhạc thiếu nhi. Những kỳ sau người ta không chú ý nữa. Thời kỳ ấy nhuận bút có gì đâu, nhưng hằng năm Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tổ chức cho các nhạc sĩ đi sinh hoạt với thiếu nhi, để có tác phẩm mới. Bẵng đi hơn chục năm nay không ai đứng ra, rất đáng tiếc.

Nhà tôi trước là GS Tâm lý trẻ em, nói với tôi rằng trẻ em hiện nay phát triển với gia tốc rất khác trước. Anh không thể suy luận cái ngày xưa của anh để áp dụng với trẻ con hiện nay. Trẻ con hiện nay có rất nhiều khả năng. Hát múa không kém gì người lớn, bắt chước rất giỏi. Thế cho nên người ta mới lấy trẻ con làm yếu tố hấp dẫn người lớn. Tôi cho rằng nếu không có gì khác hơn thì rất có thế mấy clip trên YouTube là cái mà trẻ con thích. Nhưng nếu có thứ khác đẹp hơn, hay hơn thì nó sẽ thích hơn.

Nếu không có chuyển biến trong cách cảm nhận về tuổi trẻ, thì chúng ta khó có tác phẩm đi vào đời sống của thế hệ hôm nay. Anh không nhập được vào cuộc sống của nó thì khó mà có sản phẩm. Nhưng nhập vào như thế nào, nhập để giống Hàn Quốc hay các nước khác thì không nên. Riêng trong sáng tác cho thiếu nhi, tôi thấy vận dụng thế nào cho phù hợp truyền thống đất nước, đồng thời phù hợp thời đại hiện nay- cực kỳ phức tạp.

Do sự phát triển xã hội, nhất là trẻ em thành thị tiếp nhận thông tin rất nhanh. Thằng cháu ngoại tôi mới 11 tuổi, nhà phải theo dõi chuyện nó chơi game, nó hát giống hệt trên YouTube. Nhưng nhìn ra thế giới tôi thấy các nước đều có chiến lược. Một mặt họ hòa nhập, hội nhập quốc tế, một mặt vẫn giữ bản sắc. Vừa rồi tôi đọc bài trên báo, có đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc sang đây xem mình biểu diễn, phát biểu: Chúng tôi tưởng nghệ thuật Việt Nam có gì khác lạ, hóa ra giống Hàn Quốc từ ăn mặc, đầu tóc…

Một nhà văn hóa nói với tôi, trong giai đoạn xâm lăng về văn hóa, không tỉnh táo sẽ mất- không chỉ cho hôm nay, mà cho cả thế hệ mai sau. Trước tình hình ấy, cách giải quyết của chúng ta rất buồn cười. Có lần tôi góp ý kiến cho mấy công ty băng đĩa: Tại sao các anh lại nhập, dàn dựng những thứ mang bản sắc nước ngoài nhiều thế này? Họ nói: Chúng tôi chả thể nào ngăn ngừa được. Nó chả chống Đảng, chống chính phủ gì hết…

nhạc sĩ Phạm Tuyên
nhạc sĩ Phạm Tuyên .

Quan trọng là lực lượng trẻ sáng tạo sản phẩm văn hóa cho xã hội. Trường hợp bé Nguyễn Huy, hát giỏi, ăn mặc rất điệu bộ, thì đằng sau sự dàn dựng đó không thể là một ông già như tôi, phải có cái đầu của thanh niên. Tôi gặp, xin miễn nói tên, một cô đánh ghi ta, sáng tác trong Sài Gòn. Tôi hỏi, sao em viết cái này giống nhạc nước ngoài thế. Cô ấy cười bảo, thì người ta đặt hàng bảo viết giống Hàn Quốc thì em viết. Hỏi thế có quan tâm đến chuyện bài hát lưu truyền thế nào. Bảo không, đó là chuyện của người ta… Tôi cho rằng sở dĩ không huy động được lực lượng sáng tác trẻ xâm nhập cuộc sống thiếu nhi hiện nay, ngoài vấn đề định hướng sáng tác, còn liên quan đến nguồn sống. Bây giờ viết cho trẻ con không sống nổi; viết cho những ngôi sao thì bài hát của mình được chắp cánh, tiền bản quyền cao.

Khi không huy động được lực lượng sáng tác, dễ dẫn đến tình trạng thiếu món ăn tinh thần, trong khi trẻ nghe qua mạng, qua đài truyền hình thấy nhiều cái hay quá thì trẻ nhập vào rất dễ. Truyền hình làm Đồ Rê Mí cho trẻ con, tôi rất hoan nghênh. Nhưng giải trí không có định hướng, nó lạc đi lúc nào không biết. Có hôm tôi xem thấy bắt các cháu nhỏ diễn Thị Màu lên chùa thì tôi không hiểu nó sẽ nhập vai thế nào, đạo diễn sẽ giải thích như thế nào, mà nó diễn rất giỏi. Các anh chị hướng dẫn trẻ em trong các chương trình vui chơi diễn cho mình là chính, chứ không phải vì trẻ.

Tôi cho nó là vấn đề của cả xã hội, trách gia đình một phần thôi. Đây, ngay gia đình của một nhạc sĩ: Bố mẹ đi làm suốt. Bây giờ nghỉ hè, nó chỉ có bật ti vi, xem trên mạng có cái gì hay không- có ai quản lý được đâu. Họa may có sản phẩm hay tung lên thì mình được nhờ... Nên phải có sự vào cuộc, tập hợp được những người tâm huyết. Quan trọng phải có sản phẩm nghệ thuật tốt, mới mong lấn át những sản phẩm theo khuynh hướng giải trí hoàn toàn xa lạ với mình. Nhiều người nói giải trí không vấn đề gì. Nhưng có nhạc sĩ bên Nga nói, đại ý: Người nào chống nhạc giải trí là sai lầm; nhưng sẽ sai lầm nghìn lần, nếu chỉ biết có nhạc giải trí.

Lo nhất là mất bản sắc dân tộc, một khi người Việt Nam không còn Việt Nam nữa. Để cho anh Hàn Quốc đến đây tìm hiểu Việt Nam bảo sao giống Hàn Quốc thế, mình cũng tủi thân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG