“Qua cơn mê” bị kiện

Một tiết mục trong chương trình “Qua cơn mê“
Một tiết mục trong chương trình “Qua cơn mê“
TP - 'Qua cơn mê' - diễn ra vào đêm qua 30-7-2011, một chương trình kinh doanh âm nhạc được quảng cáo rầm rộ, giá vé cao nhất lên đến 2.500.000 đồng/vé, đang bị các nhạc sĩ khiếu nại về quyền tác giả.

> Đàm Vĩnh Hưng qua cơn mê cùng Anna Ly

Một tiết mục trong chương trình “Qua cơn mê“
Một tiết mục trong chương trình “Qua cơn mê“.

Sáng 29-7-2011, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) nhận được một số đơn đề nghị khẩn cấp và nhiều cuộc điện thoại của các tác giả phản ánh việc tác quyền của họ bị xâm phạm trong chương trình kinh doanh ca nhạc “Qua cơn mê” với sự tham gia của các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Bảo Thy, Dương Triệu Vũ, Hồ Quang Tám... trình diễn vào đêm 30-7-2011 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội).

Đây là chương trình ca nhạc được tổ chức bởi Công ty TNHH Hãng Phim châu Á do ông Lê Văn Tiến làm giám đốc và chịu trách nhiệm tổ chức chương trình. Theo phản ánh của các tác giả thì trong danh sách tác phẩm sẽ biểu diễn trong CT này gửi cho Sở VH-TT-DL để xin cấp phép có tác phẩm của họ.

Không chỉ đợi tới khi các nhạc sĩ gửi đơn, gọi điện đề nghị khiếu nại, trước đó VCPMC đã phản ánh những vụ bị xâm hại tương tự lên nhiều cơ quan có thẩm quyền, và ngay chương trình “Qua cơn mê” cũng đã được phản ánh, gửi đơn lên các cơ quan hữu quan về sự xâm phạm tác quyền.

Cũng như mọi lần, VCPMC - nơi chịu trách nhiệm ủy thác bản quyền của các nhạc sĩ, đã mời ông Lê Văn Tiến đến trụ sở VCPMC để thực hiện nghĩa vụ Xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm theo đúng quy định của Luật pháp và đúng yêu cầu của Giấy phép công diễn Nghệ thuật do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội, Phó GĐ Sở Trần Quốc Chiêm đã ký, rằng:

“Yêu cầu Công ty TNHH Hãng phim châu Á và các nghệ sĩ diễn viên tham gia trong chương trình thực hiện đúng các quy định trong Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ do Nhà nước đã ban hành và các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Áp phích quảng cáo chương trình
Áp phích quảng cáo chương trình.
 

Được biết, trong ba chương trình gần đây cũng do ông Tiến tổ chức (bao gồm các chương trình biểu diễn ca nhạc của ca sĩ Quang Lê vào các ngày 4-3-2011 tại TT Hội Nghị Quốc Gia HN, 9-3-2011 tại Hải Phòng, ngày 12-3-2011 tại Đà Nẵng) chưa có chương trình nào ông Tiến thực hiện nghĩa vụ tác quyền.

Ông Lê Văn Tiến có đến gặp các chuyên viên cấp phép (quyền tác giả) của VCPMC, nhưng cuộc trao đổi không đạt được kết quả cần thiết. Phía VCPMC yêu cầu bên ông Tiến, trước hết xin phép tác giả (mà đại diện của họ là VCPMC) và làm nghĩa vụ tác quyền theo biểu mức mà VCPMC đưa ra từ lâu (thông qua đề nghị của các nhạc sĩ).

Phía ông Tiến nói, ông sẽ đại diện cho Công ty Hãng Phim châu Á và Công ty CP Truyền thông sự kiện Hội Nghệ sĩ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm cho các chương trình ca nhạc do hai công ty tổ chức. Tuy nhiên, ông không nộp theo biểu mức thu của VCPMC. (Mức này dựa theo quy định của các quốc gia có liên hệ với VN, của CISAC, của luật pháp Việt Nam và thực tế VN trên cơ sở sự thống nhất của các tác giả, đã được công khai hóa, cập nhật từ lâu trên website của VCPMC, được thực thi rộng rãi ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Trước đó, chính ông Tiến đã nộp cho chuỗi chương trình ca nhạc của ca sĩ Tuấn Vũ theo mức này).

Lần này, ông Tiến đưa ra ý kiến chỉ thanh toán theo mức 300.000 đ/bài. Theo VCPMC, đây là mức phí đã lạc hậu so với hiện tại, nằm ngoài quy định của VCPMC. Đại diện VCPMC nói, đây là chương trình kinh doanh âm nhạc giá vé cao nhất lên đến 2.500.000 đồng/vé, nên mức tiền sử dụng tác phẩm phải được tính toán dựa trên doanh thu từ việc kinh doanh chính những tác phẩm âm nhạc mang lại. Mức giá 300.000đ/bài/lần diễn chỉ áp dụng cho các chương trình không bán vé (không kinh doanh).

Kết quả, VCPMC không thu được tiền tác quyền của ông Tiến cho buổi diễn vào 30-7-2011 và cả những buổi biểu diễn trước đây. Đồng nghĩa với việc các nhạc sĩ có bài hát được đưa ra kinh doanh trong các chương trình nói trên sẽ không thu được tiền tác quyền.

VCPMC cho biết, đã cho gửi công văn đến Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội; Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty CP truyền thông sự kiện Hội nghệ sĩ Việt Nam và Công ty Hãng Phim Châu Á. Công văn nêu rõ: “Kính đề nghị quý cơ quan can thiệp, tạm dừng chương trình biểu diễn nêu trên cho tới khi hai công ty trên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bản quyền tác giả... ”.

Tuy nhiên, chương trình “Qua cơn mê” vẫn diễn ra tại Cung VHHN Hà Nội trong đêm 30-7- 2011. Và để đối phó với VCPMC và các tác giả, “Qua cơn mê” đã thay đổi nội dung, chỉ còn lại một số tác phẩm thuộc VCPMC quản lý như: “Bình Minh sẽ mang em đi” (nhạc Anh quốc), “Biển tình” (Lam Phương). “Nửa vầng trăng” (Nhật Trung), “Lời cuối cho em” (Nguyễn Vũ), “Khoảng cách” (Nguyễn Hồng Thuận), “Xót xa” (Châu Huy Kỳ) thuộc VCPMC quản lý tác quyền vẫn được trình diễn mà không có sự cho phép của VCPMC.

Như vậy, ngoài việc vi phạm tác quyền “Qua cơn mê” còn vi phạm Giấy phép biểu diễn và điều đó có thể dẫn đến tình trạng các tác giả có tác phẩm thế chỗ cũng chưa chắc nhận được quyền thỏa thuận và thù lao tác giả .

Nhạc sĩ Phó Đức Phương bảy tỏ: quy trình, cơ chế cấp giấy phép công diễn của các cơ quan quản lý Nhà nước như hiện nay vẫn còn kẽ hở. Cấp phép, cho phép biểu diễn dấu đỏ mực đen rồi, chỉ thêm một câu “Yêu cầu thực hiện đúng các quy định…” nên những đơn vị tổ chức biểu diễn mà cụ thể là các “ông/ bà bầu” đã lợi dụng để chây ì, để tránh tráo, để à uôm và trốn tránh trách nhiệm.

 
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG