Bùi Công Duy: Giá trị không ở danh hiệu

Bùi Công Duy: Giá trị không ở danh hiệu
TP - Khi bị loại khỏi đề cử danh hiệu NSƯT, Bùi Công Duy đang đưa học trò đi thi quốc tế. Nay anh bảo, nếu chơi đàn không tốt còn buồn và đau đớn hơn so với việc trượt danh hiệu.

Nhạc sĩ Phú Quang: Giải thưởng nhà nước bị bóp méo
> Đêm nhạc cổ điển của nghệ sĩ violin hàng đầu Việt Nam

Biết tin mình không có trong danh sách được tặng danh hiệu NSƯT đợt này, tâm trạng của anh ra sao?

Tôi nói rất thật, tôi chưa kịp vui hay buồn thì mọi thứ đã xong rồi! Tôi cũng có biết tin, nhưng lúc đó đang ở Indonesia đưa học trò đi thi, lên mạng đọc báo thì thấy bố tôi (NS Phú Quang là bố vợ Bùi Công Duy - PV) nói trên báo về điều này.

Tôi không mong chờ nhiều khi làm hồ sơ. Tất nhiên, ai chả muốn có danh hiệu. Nhưng tôi không kỳ vọng là mình phải bằng mọi giá có danh hiệu đó. Nếu biểu diễn không tốt chương trình hòa nhạc của mình, chắc tôi đau lòng và buồn nhiều hơn. Còn danh hiệu này, có thì rất thích, vì đó là sự đánh giá công lao của mình, nhưng mà tôi cũng có sự nhạy cảm rằng việc đó không dễ dàng và tôi chuẩn bị sẵn tinh thần. Nỗi buồn này không thể bằng niềm vui hai học trò của tôi vừa đạt giải thưởng trong hai cuộc thi ở Thái Lan và Indonesia.

Anh có biết lí do mình bị loại?

Tôi được biết do số năm biên chế của tôi không đủ. Nếu là nguyên nhân nào đó thuyết phục hơn thì không sao, lí do này rất buồn cười, vì đã nói đặc cách thì còn tính số năm công tác làm gì nữa.

Năm 1992 tôi bắt đầu đứng trên sân khấu. Tôi về nước và dạy ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN) từ năm 2007. Tôi nghĩ, với nghệ sĩ, tuổi nghề được tính từ khi bắt đầu ra công chúng.

Nếu xét trên hồ sơ, tôi nghĩ mình thừa tiêu chuẩn. Thực ra, khi khai hồ sơ, tôi đã phải bớt đi, không muốn liệt kê nhiều quá. Tôi có hai bằng khen của Thủ tướng và một số giải quốc tế: Giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Demidov, giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Z.Bron, giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho lứa tuổi thiếu niên Tchaikovsky. Một giải Nhất trong nước là Concours Mùa thu tại HN.

Giải nhất tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi thiếu niên, đưa vào hồ sơ xét danh hiệu, liệu có phù hợp?

Đấy là một trong những cuộc thi khó nhất, đến bây giờ vẫn được duy trì. Tôi muốn đính chính một chút về các cuộc thi quốc tế. Thật giả bây giờ lẫn lộn rất nhiều. Mà ở Việt Nam, đa số mọi người không biết rõ, chỉ những người trong ngành mới hiểu. Có những cuộc thi diễn ra ở Australia chỉ có hai người thi với nhau, piano thùng đặt ở khách sạn để thi, một ngày chạy sô mấy cuộc, thích đánh gì thì đánh. Vậy mà nhà mình cũng tung hô.

Những giải thưởng có thật nếu tìm trên mạng, bao giờ cũng có xếp hạng cùng với đánh giá của Hiệp hội quốc tế. Tất nhiên cũng thông cảm vì ở nước mình đâu phải ai cũng biết hết, mà những người cung cấp thông tin lại chỉ nói một chiều. Những giải thưởng có uy tín đều có thể tìm trên mạng. Có hàng nghìn cuộc thi, nhưng không phải cuộc nào cũng chuyên nghiệp. Có cuộc ai thích chơi gì thì chơi, họ chỉ tính bằng phút thôi rồi chấm điểm.

Anh nghĩ sao về danh hiệu và giải thưởng nói chung?

Là người thầy, tôi nghĩ, danh hiệu và giải thưởng có tác dụng khuyến khích các em học trò của tôi thêm tinh thần học tập, nhưng mặt khác sẽ nguy hiểm khiến các em chủ quan, lầm tưởng, ngộ nhận rằng mình đã đạt được vị trí cao rồi. Người thầy phải luôn tỉnh táo, khắt khe, kéo học sinh xuống.

Cá nhân tôi ngày xưa nhận giải cũng cảm thấy bình thường, dù rất thích, nhưng tôi thực tế, biết còn nhiều người cao siêu lắm.

Tôi luôn muốn cống hiến bằng chính lương tâm của mình và mong những người xét duyệt cũng bằng lương tâm của họ. Rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng không bao giờ ghi danh hiệu, học hàm học vị của họ đi kèm. Chẳng hạn, NSND Đặng Thái Sơn luôn chỉ ghi rất giản dị: Pianist Đặng Thái Sơn. Danh hiệu có thì tốt, không thì cũng không sao. Giá trị thật không nằm ở danh hiệu. Xét cho cùng, tôi thấy có nhiều nghệ sĩ ưu tú mà mình không biết là ai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG