Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hoàng Hà có bị bỏ quên?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hoàng Hà có bị bỏ quên?
TP - Chỉ Hội Âm nhạc Hà Nội lên tiếng đòi quyền lợi cho nhạc sĩ Phạm Tuyên (giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc). Còn Hội Nhạc sĩ Việt Nam đứng ngoài cuộc, và trách ông không chịu làm hồ sơ, gửi đúng cửa. Với nhạc sĩ Hoàng Hà, không có ai đứng ra bảo vệ, khiến ông bị loại khỏi giải thưởng lần này.

“Tủi thân vì giống Hàn Quốc quá”

Không nộp hồ sơ

Có vai trò bảo vệ quyền lợi cho hội viên và tôn vinh tài năng- tác phẩm, lẽ ra Hội Nhạc sĩ phải đứng ra đề nghị cho nhạc sĩ Phạm Tuyên được giải thưởng Hồ Chí Minh mà không cần đợi ông làm hồ sơ. Đã có tiền lệ với 5 nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Xuân Khoát, Hoàng Việt. Vậy nhưng, không hiểu vì lí do gì, Hội Nhạc sĩ vẫn… đợi nhạc sĩ Phạm Tuyên làm hồ sơ “xin” giải. Ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhiều lần khẳng định: Không có hồ sơ thì không thể xét!

Trong cuộc gặp báo chí lồng ghép với buổi sinh hoạt CLB Âm nhạc và báo chí chiều 22-8, ông Phạm Ngọc Khôi tỏ ra khó chịu khi bị chất vấn: Vì sao Hội Nhạc sĩ không lên tiếng? Ông Khôi nói: Hội đồng cơ sở không thể xét cho Phạm Tuyên, vì NS không gửi hồ sơ, và công văn của Hội Âm nhạc Hà Nội không thể thay thế hồ sơ. Ông Khôi cũng cho rằng: Hội Âm nhạc Hà Nội đã “vượt cấp” khi gửi kiến nghị lên Vụ thi đua khen thưởng và Bộ VHTTDL: “Làm như thế tức là họ đã nhảy một cấp qua chúng tôi. Trên thực tế, Hội đồng cấp Bộ khi làm việc cũng không đưa trường hợp NS Phạm Tuyên để xem xét”.

Trong khi Hội Nhạc sĩ VN chờ nhạc sĩ Phạm Tuyên làm đơn “xin” và tỏ ra vô can, thì Hội Âm nhạc Hà Nội liên tục gửi thư tới các cơ quan liên quan như Hội Nhạc sĩ VN, Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Bộ VHTTDL. Hội Nhạc sĩ VN đã nhận được công văn cũng như hai lá thư của nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng với danh mục sáng tác của ông, nhưng vẫn làm ngơ. Ông Phạm Ngọc Khôi sau nhiều lần nói không nhận được công văn nào, cuối cùng phải thừa nhận là “có”, nhưng cho rằng, việc xét đặc cách phải do Bộ VHTTDL giải quyết. Điều này mâu thuẫn với phát biểu trước đó của ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng: “Hội đồng Bộ chỉ xét trên cơ sở đề xuất của Hội đồng cơ sở!”.

Trước “truy vấn” của báo chí, nhạc sĩ Cát Vận, Chủ tịch CLB Âm nhạc và báo chí nói: Đúng thứ tư (24-8), Hội sẽ có câu trả lời về trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bản thân ông Cát Vận cũng thấy Phạm Tuyên “rất xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh và lẽ ra phải được nhận từ đợt trước”.

Nhạc sĩ Hoàng Hà
Nhạc sĩ Hoàng Hà.

Ai đòi quyền lợi cho nhạc sĩ Hoàng Hà?

Giới chuyên môn đánh giá nhạc sĩ Hoàng Hà cũng rất xứng đáng với tiêu chí giải thưởng Hồ Chí Minh. Chỉ riêng Đất nước trọn niềm vui cũng đủ để nhận giải thưởng cao quý này, chưa kể những tác phẩm sống mãi như Ánh điện sáng trên cầu Việt Trì, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân, giao hưởng – hợp xướng Côn Đảo...

Nhạc sĩ Hoàng Hà hiện sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếc là hội địa phương này không có động thái nào lên tiếng cho hội viên của mình. “Có lẽ vì lực lượng ở đây mỏng, không lớn mạnh như Hội Âm nhạc Hà Nội nên họ không lên tiếng chăng?”, nhạc sĩ Hoàng Lương, con trai nhạc sĩ Hoàng Hà phán đoán. Gia đình nhạc sĩ Đất nước trọn niềm vui tuyên bố không đề nghị thêm bất cứ lần nào nữa, bởi đã 3 lần ông bị trượt. “Nếu sau này họ có sửa sai, hoặc truy tặng thì cụ cũng không được hưởng nữa rồi. Vấn đề cốt lõi ở đây là cơ chế xin – cho, chắc còn lâu mới thay đổi được”, anh Hoàng Lương nói.

Ngày 18-8, gia đình nhà văn Sơn Tùng đã gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước về văn học tới Hội Nhà văn VN, Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ VHTTDL. Lý do rút là vì ban đầu hồ sơ của nhà văn đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng ngày 12-7, đại diện của Hội thông tin với gia đình rằng năm nay không xét giải HCM, đề nghị làm lại hồ sơ ở hạng mục giải thưởng Nhà nước. Trên thực tế, năm nay có tới 11 nhà văn được đề cử ở hạng mục giải thưởng HCM. Gia đình nhà văn Sơn Tùng cho rằng đây là việc làm không “quang minh chính đại” của Hội và xin rút.

Cúc Chi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG