Những lùm xùm quanh chuyện nhắn tin bình chọn

Những lùm xùm quanh chuyện nhắn tin bình chọn
TPO – Những dư luận trái chiều xung quanh những tin nhắn bình chọn, để quyết định thứ hạng hoặc đi hay ở của các thí sinh dự thi trong các cuộc thi ca nhạc hay người đẹp thời gian gần đây dấy lên nhiều nghi ngờ vì sự trung thực và khách quan của nó.

Cuộc thi đầu tiên sử dụng sự bình chọn của khán giả là giải Mai Vàng do báo Người Lao Động tổ chức. Ngay từ năm 1991, giải thưởng bình chọn Nghệ sỹ được yêu thích nhất trong năm (tiền thân của giải Mai Vàng) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Năm 1995 giải Mai Vàng chính thức ra đời và vẫn hoạt động cho đến nay. Đây là nơi khán giả tôn vinh những nghệ sỹ đã có đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật trong một năm thông qua phiếu bầu chọn của mình.

Tuy nhiên, sự bình chọn của khán giả chỉ là cơ sở để lựa chon Top 5 nghệ sỹ tiêu biểu của từng hạng mục đưa vào đề cử. Và việc lựa chọn ra người xuất sắc nhất là do BGK gồm những người có uy tín thẩm định.

Cho đến nay, sau 16 lần tổ chức, giải Mai Vàng vẫn được đánh giá là giải thưởng có uy tín nhất và là niềm mơ ước của rất nhiều nghệ sỹ.

Ra đời muộn hơn nhưng cũng không kém phần đình đám là giải thưởng Làn Sóng Xanh do Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu tiên năm 1997. Cũng giống như giải Mai Vàng, khán giả chỉ đóng vai trò là người phát hiện và đề cử thông qua các hình thức như gửi thư tay, thư điện tử và nhắn tin.

Giải sẽ chọn ra 6 gương mặt có số phiếu bầu cao nhất, kết quả cuối cùng được quyết định là sau khi tham khảo ý kiến của các nhà báo, ca sỹ, nhạc sỹ, nhà thiết kế thời trang… để chọn ra 2 gương mặt xuất sắc nhất của năm. Tuy nhiên, giải thưởng này chỉ dành cho lĩnh vực âm nhạc nên thực chất là cuộc chạy đua tin nhắn của các fan nhằm đưa thần tượng của mình lên Top đầu.

Hiện đại thì dễ... hại điện

Ngày càng có nhiều cuộc thi được mua bản quyền nước ngoài cùng với sự phát triển của số lượng thuê bao di động thì sự bình chọn của khán giả cũng trở nên “hiện đại” hơn.

Thay vì có khoảng 1-2 tháng để gửi phiếu bình chọn hay nhắn tin thì khán giả được đưa ra ý kiến của mình ngay khi cuộc thi đang diễn ra. Điều này khiến cho chương trình trở nên “nóng” hơn và khán giả đóng vai trò như một giám khảo đặc biệt.

Vietnam Idol năm 2007 là cuộc thi đầu tiên sử dụng tin nhắn bình chọn của khán giả làm tiêu chí để xếp hạng thí sinh. Và sau đó, hàng loạt các cuộc thi như Bước Nhảy Hoàn Vũ, Sáng Bừng Sức Sống, Sao Mai 2011… sử dụng hình thức này. Nhưng thay vì ngày càng hoàn thiện thì cách thức này lại gây nên nhiều scandal làm tốn giấy mực của báo chí.

Hiện tượng Uyên Linh là một ví dụ. Trở thành Thần tượng Âm nhạc Việt Nam 2010 là do được sự bình chọn của chính đông đảo khán giả nhưng “hậu Idol” thì lại bị chính khán giả “ném đá” không thương tiếc. Hay chuyện khán giả của Bước Nhảy Hoàn Vũ 2011 lên tiếng vì tin nhắn bình chọn của họ gửi đi trong thời gian hợp lệ mà vẫn bị trả lại.

Gần đây nhất là khán giả phản đối thí sinh Nguyễn Thị Bích Hồng trong cuộc thi Sao mai 2011 khi giọng hát của cô chưa thực sự thuyết phục nhưng vẫn được lọt vào Top 3 do được cộng điểm từ việc nhận được nhiều tin nhắn bình chọn của khán giả. Nhưng điều đáng bàn chính là: Sự bình chọn ấy có thật sự là do khán giả bình chọn hay không?

Sự thật nào cho việc bình chọn

Giám khảo, ca sĩ Trọng Tấn trong cuộc thi Sao Mai khẳng định rằng anh công tâm với các thí sinh, nhưng "Cuộc thi có vấn đề gì bên trong tôi không nắm được. Khó! Mình công tâm nhưng có đến 7 người chấm”.

Thời gian gần đây, từ cuộc thi Sao mai đã dấy lên dư luận không tốt liên quan đến việc bình chọn qua tin nhắn. Nhiều người cho rằng, họ nhắn tin trong thời gian cho phép của cuộc thi nhưng tin nhắn bị trả lại. Rất nhiều thí sinh của cuộc thi đã bày tỏ những bức xúc này khi người thân của họ đã "lực bất tòng tâm".

Những lùm xùm quanh chuyện nhắn tin bình chọn ảnh 1
 

Câu hỏi đặt ra là: Có phải chỉ những tin nhắn đúng theo kết quả của BGK thì mới được chấp nhận?

Như rất nhiều người khác, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên trưởng bộ môn Văn hóa Truyền thông - khoa Báo chí và truyền thông, ĐHQG Hà Nội cũng không còn tin vào những kết quả bình chọn bằng cách nhắn tin nữa.

“Ban giám khảo đã dọn chỗ sẵn cho khán giả, định hướng sẵn cho khán giả bằng những nhận xét của mình. Thậm chí, họ tìm mọi cách để áp đặt khán giả theo cái chuẩn mà họ đang chấm. Và không phải lúc nào họ cũng là người công tâm. Bởi vậy, cách cộng điểm của lượt bình chọn qua tin nhắn khán giả gửi đến là nên làm, nhưng ban tổ chức phải minh bạch được kết quả này”.

Phải nói lại rằng, việc sử dụng tin nhắn bình chọn của khán giả trên thế giới với những cuộc thi như American Idol hay Dancing with the stars... là việc hết sức bình thường. Nhưng chuyện lập lờ về kết quả mới là vấn đề làm khán giả Việt Nam bức xúc.

Những lùm xùm quanh chuyện nhắn tin bình chọn ảnh 2

Nguyễn Văn Thế gây ấn tượng mạnh với SM2011 khi dự thi ca khúc "Tiếng đàn bầu" nhưng vẫn bị loại

“Chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ không có sự công bằng tuyệt đối, sẽ có những tin nhắn dựa trên cảm tính hay mối quan hệ… nhưng chúng ta đã đặt ra luật chơi và để khán giả cùng tham gia thì chúng ta phải tuân theo luật chơi ấy”- PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.

Theo TS Minh Thái, để khắc phục tính trạng này, các nhà tổ chức phải tìm cách Việt Nam hóa các ý tưởng từ format nước ngoài cho phù hợp với văn hóa nghe nhìn của công chúng Việt Nam.

“Trong BGK nên có một nhà báo thông thạo ngôn ngữ truyền hình, để thông tin và bình luận, chấm điểm trên góc nhìn truyền thông, hay chí ít là giám khảo chuyên môn, cũng phải được huấn luyện các kỹ năng ứng xử truyền hình.

Vì chỉ như thế họ mới truyền đạt tới khán giả thông tin theo đúng ngôn ngữ của truyền thông. Bởi trên hết, các cuộc thi này chính là sự truyền thông bằng ngôn ngữ truyền hình”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.