Chúng tôi luôn có những người dấn thân

Chúng tôi luôn có những người dấn thân
TP - Nhà thơ Phan Hoàng là người dẫn đầu đoàn đại biểu nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh về thi ca và cuộc sống cũng như lực lượng văn trẻ tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh:

Chúng tôi luôn có những người dấn thân

Thưa nhà thơ Phan Hoàng, có thể nói, lực lượng thơ văn của TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây phát triển khá mạnh. Với tư cách là Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, anh có thể giới thiệu đôi nét về văn học TP Hồ Chí Minh và các hoạt động để làm mạnh, làm mới nó trong thời buổi văn chương có vẻ như đang bị lãng quên như hiện nay?

Tôi chưa bao giờ nghĩ văn chương bị lãng quên, cả trong thời kinh tế thị trường với nhiều giá trị bị đảo lộn như hiện nay. Bởi ngay nhiều “đại gia” lẫn “chân dài” cũng tìm đến văn chương như một điểm tựa tinh thần, tự phát hiện lại vẻ đẹp có thể bị đánh rơi của chính mình, dù mục đích của họ có thể khác với những nhà văn chuyên nghiệp. Đúng như chị nói, lực lượng viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh những năm gần đây phát triển rất mạnh, có lẽ là mạnh nhất từ trước đến nay. Điều này càng chứng tỏ văn chương của thành phố lớn sôi động nhất phương Nam này chưa bao giờ bị lãng quên. Văn chương luôn có một vị thế riêng biệt của mình.

Cái vị thế riêng biệt của văn chương TP Hồ Chí Minh, nhất là văn trẻ, cụ thể ra sao?

Một nét đặc thù mà hiếm nơi nào có được như TP Hồ Chí Minh, đó là lực lượng cầm bút xuất thân từ nhiều nguồn, nhiều thời kỳ phong phú khác nhau. Nhưng thế hệ những nhà văn trưởng thành ngay sau khi đất nước thống nhất thì càng đông càng mạnh. Tuy nhiên, hùng hậu hơn cả vẫn là lớp nhà văn trẻ xuất hiện trong vòng hơn 15 năm trở lại đây, ước đoán hiện có gần 100 cây bút, đa số họ đều tốt nghiệp đại học, hội tụ từ khắp cả nước về học tập, làm việc và sáng tạo. Tác phẩm của họ hiện đang dần chiếm lĩnh đời sống văn học thành phố. Văn chương là nỗ lực sáng tạo tự thân của mỗi cá nhân. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chỉ cố gắng gắn kết, hỗ trợ, tiếp thêm động lực thể hiện qua các hoạt động như hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tổ chức trại sáng tác,… chứ không có khả năng làm mới, làm mạnh thêm trang văn của các nhà văn.

Nhiều năm trước đây, tên của anh thường xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí, nhưng gần đây, anh có vẻ “ẩn mình” chủ yếu làm “bà đỡ” cho các cây viết trẻ trong tư cách là Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh). Anh có đang dần quên vai trò nhà thơ của mình không đấy?

Tôi cho rằng, sáng tạo văn học là sự âm thầm và khác biệt chứ không phải khoa trương và đồng ca. Tuy nhiên, với những bạn trẻ mới bước vào nghề, họ cần có sự hiểu biết nhất định về con đường văn chương, cần sự tiếp lửa của những người đi trước. Hành trình văn chương đầy gian nan thử thách nhưng cũng có sức mê hoặc kỳ lạ. Để giảm sự mê hoặc hư danh, tôi chọn con đường lặng lẽ sáng tạo và cống hiến bằng khả năng của mình.

Anh hay nhắc về nhà thơ Huy Cận, anh còn giữ những hình ảnh nào về ông?

Có nhiều cách nhìn khác nhau về Huy Cận, nhưng với tôi ông luôn là một nhà văn hoá lớn đáng kính trọng. Cũng trong Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 4, ngay sau khi lần đầu vừa đặt chân đến Hà Nội, tôi đã rủ các nhà thơ trong đoàn văn trẻ TP Hồ Chí Minh là Phạm Sỹ Sáu, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc, Trần Hữu Dũng,… rời Nhà khách Chính phủ đến nhà 24 Điện Biên Phủ thắp hương cho nhà thơ Xuân Diệu và thăm nhà thơ Huy Cận. Nhưng tác giả của “Lửa thiêng” không có ở nhà. Sau đó, chúng tôi đã được gặp ông tại hội nghị và ông đã dành cho tôi một cuộc phỏng vấn trên xe buýt hơn một tiếng đồng hồ.

Nhà thơ Phan Hoàng luôn là một người sắc sảo, thức thời với công nghệ báo chí, nhưng với thi ca anh lại là một người lặng lẽ, âm thầm…

Tôi luôn tâm niệm làm một việc có ích cho đời sống này còn hơn viết ra một ngàn văn bản vô thưởng vô phạt. Tôi sợ hãi sự nổi tiếng bằng hư danh hay bốc đồng. Thi ca đối với tôi là một không gian thẩm mỹ riêng, một thế giới thiêng liêng để tôi được đắm chìm vào đó, tìm thấy vẻ đẹp của con người quá khứ lẫn hiện tại, tự phát hiện bản thể chính mình. Nhà thơ phải biết náu mình để cho cái đẹp thi ca lên tiếng. Tôi thực sự hạnh phúc trong thế giới thi ca riêng mình, khi thăng hoa theo “Bước gió truyền kỳ” trên hành trình mở cõi của cha ông, phát hiện tiếng nói lạ lùng và sức mạnh của quá khứ qua “Những ngọn gió vô danh”, “Mười bốn lần giông tố biên cương”… Năm Quý Dậu 1993, cơn lũ thế kỷ đã tàn phá tỉnh Phú Yên, trong đó cái xã Hòa Đồng quê tôi bị thiệt hại lớn nhất về người và của. Tôi có viết bài thơ “Gởi Phú Yên” đăng liền trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, trong đó có đoạn: “Tôi mộng du phố xá Sài Gòn/nào biết quê nhà ngập chìm thác lũ/ các em thơ không tròn giấc ngủ/ bếp lửa mẹ già rét bắn căm căm/ cánh cò ca dao thảng thốt biệt tăm/tiếng quạ xé đồng mơ ước/dòng sông tuổi thơ hóa dòng hủy diệt/nỗi đau quặn thắt núi non/tôi mộng du phố xá Sài Gòn/nào biết Chóp Chài phủ đầy nước mắt/Ô Loan kinh hoàng/Đá Bia chớp giật/cánh nhạn nào vừa đuối sức giữa sông Ba?”. Bài thơ này của tôi lập tức được đọc trên tất cả các diễn đàn quyên góp hỗ trợ Phú Yên và năm đó, rất nhiều nhà văn nhà thơ giàu lòng hảo tâm, nghĩa hiệp đã quyên góp ủng hộ quê nhà.

Nhiều người viết, nhiều người nổi lên, nhưng cũng có nhiều người chỉ coi thơ ca như một chiếc áo sang trọng nhưng nhất thời khoác lên. Với tư cách là “thủ lĩnh” văn trẻ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, “chủ xị” trang web và một vài tờ báo của tuổi trẻ, anh đánh giá thế nào về thơ ca trẻ hiện nay cũng như thực trạng phát triển văn học ở TP Hồ Chí Minh?

Đúng như chị nói, một số người xem thơ ca như chiếc áo sang trọng nhất thời khoác lên mình, nhưng đó cũng là số ít thôi, ở TP Hồ Chí Minh luôn xuất hiện những người dấn thân vì thơ, dám tìm tòi thể nghiệm, thậm chí biết mình phải trả giá cho điều đó. Theo tôi biết, những nhà thơ tài năng đích thực, cả trẻ lẫn già, đều âm thầm sáng tạo. Tôi cũng cảm nhận những làn sóng văn học trẻ, trong đó có thi ca, đang ngày càng mạnh lên ở thành phố này.

Xin cảm ơn anh vì cuộc chuyện trò!

Chúng tôi luôn có những người dấn thân ảnh 1
Từ miền Trung nắng gió, Phan Hoàng vào TP Hồ Chí Minh học đại học, tên tuổi của anh được biết đến từ giữa thập niên 1990 khi anh làm phóng viên - biên tập viên tạp chí “Kiến Thức Ngày Nay” và xuất bản 2 tập thơ “Tượng tình”, “Hộp đen báo bão” cũng như các bộ sách “Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam” (3 tập), “Phỏng vấn Người Sài Gòn” (2 tập), “Phỏng vấn Người Hà Nội” (2 tập), “Dạ, thưa thầy!”.

Hiện nay anh là Ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh kiêm Chủ biên website Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và nguyệt san Đương Thời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG