Chuyến đi ấn tượng cùng Tùng Dương

Chuyến đi ấn tượng cùng Tùng Dương
TP - Với hai đêm Những chuyến đi vào 3 và 4-12 tại Hà Nội, Tùng Dương chứng tỏ vị trí đặc biệt và đẳng cấp trong làng ca nhạc hiện nay. Vẫn phá cách và dường như vẫn có khán giả.

Tùng Dương: Thích mặc vest, chân đất lên đồng
> Sẽ kiềm chế độ 'điên'

Tùng Dương trong chương trình riêng
Tùng Dương trong chương trình riêng "Những chuyến đi".

Khán phòng Nhà hát Lớn chật kín. Gần 2 tiếng rưỡi, Tùng Dương lấp đầy sân khấu bằng âm nhạc, vũ đạo và các hiệu ứng hình ảnh. Người xem cảm thấy được sự sung mãn và sức sáng tạo của nam ca sĩ sinh 1983 toát ra hừng hực.

Anh mạnh dạn pha trộn giữa chất liệu dân gian Việt Nam và nước ngoài. Khán giả đang phê với giọng hò Huế, anh đã chuyển sang một bài tiếng Anh theo điệu blues: Redemption song khiến tất cả ồ lên. Ở đoạn dạo giữa, hai “liền chị” tân thời ca bài quan họ Ngồi tựa mạn thuyền trong khi đợi Tùng Dương hát tiếp “bài ca tự do” của Bob Marley.

Phần đầu chương trình, Tùng Dương nhẹ nhàng đưa khán giả vào hành trình bằng những bài hát thời kỳ đầu khá êm ái của Lê Minh Sơn, Trần Tiến, Giáng Son... Và rồi khán giả bừng tỉnh với bài dân ca quen thuộc Chiếc khăn piêu. Tùng Dương đã biến giai điệu và tiết tấu hấp dẫn của bài hát thành sở hữu riêng. Đây có thể nói là một trong những tiết mục thành công nhất của đêm diễn, nơi mọi thứ đều vừa vặn và hòa hợp với nhau.

Phần hai sôi động hơn với màu sắc điện tử bắt đầu với Vòng tròn của Đỗ Bảo- trình bày dưới dạng video phong cách pop-art giản dị nhưng khá ấn tượng. Màn hình video được sử dụng triệt để mang tính gợi mở cho sáng tác của Sa Huỳnh, Lưu Hà An, Nguyễn Xinh Xô. Ca sĩ liên tục đi từ cao trào này đến cao trào khác. Anh có vẻ không cần ngơi nghỉ, nhưng khán giả thì có thể cần.

Có lẽ vì thế mà vài khán giả đứng tuổi đã ra về khi sắp hết chương trình. Có thể họ không chịu được nhiệt hoặc vì có con mọn cứ sau 22h là phải có mặt ở nhà. Cũng có khả năng đó là biểu hiện của bệnh hình thức, nhiều khi đi nghe nhạc không phải vì yêu âm nhạc của ca sĩ. Bệnh hình thức còn thể hiện ở một động tác hơi kỳ cục là vỗ tay bất cứ khi nào mình thích, coi như đó là một cách “ban ơn” cho ca sĩ.

Ca sĩ vừa ngừng hát hoặc kể cả đang hát và ban nhạc vẫn chơi, nhưng khán giả đã thích thì cứ vỗ tay. May mà không phải tất cả đều vỗ, không thì nghệ sĩ sẽ tưởng bị phản đối. Dù sao cách biểu đạt có phần hơi vụng về của khán giả trong đêm nhạc Tùng Dương cũng chứng tỏ họ phần nào bị giọng hát này mê hoặc.

Bỏ qua hầu hết sáng tác cho riêng mình trong album Những ô màu khối lập phương, Tùng Dương cũng không ngại hát lại bài đóng đinh của người khác. Ngay Chiếc khăn piêu gần đây Thanh Lam cũng đã xài. Dương cũng mạnh dạn làm mới Trên đỉnh phù vân theo hướng acoustic- chỉ với piano và trống. Kết quả là anh hát không bị giống Mỹ Linh nhưng cũng không phá hẳn để vượt qua được Mỹ Linh.

Chỉ thấy Tùng Dương hát khỏe hơn nhưng lại không chạm tới được chiều sâu của bài hát như Mỹ Linh đã từng. Dương ngẫu hứng cả Chảy đi sông ơi theo yêu cầu của khán giả và có vẻ giọng anh hợp với hit này của Mỹ Linh hơn. Với Hoa gạo thậm chí Dương không thèm làm mới mà hát luôn với Thanh Phương- người ít ngày trước đây vừa đệm bài này cho Hà Trần ở Hà Nội.

Cho đến khi Tùng Dương hát lại cả Đi học thì có thể nói anh hơi… ăn sẵn. Có thể để cân bằng với những bài hơi hướng thể nghiệm, Tùng Dương muốn đền bù khán giả bằng những bài hát mà anh nghĩ là họ thích. Nhưng nếu thế thì nên hát những Mùa thu cho em- dù sao cũng gắn với tên anh hơn.

Có hai con rùa đội hạc chầu vào hai bên sân khấu. Phần đầu chương trình có cả lư hương bốc khói nghi ngút để Tùng Dương ngồi cạnh hát những bài dân gian- đương đại như Mưa bay tháp cổ hay Sen hồng hư không. Điều thú vị là hai sáng tác này Trần Tiến đều viết theo đơn đặt hàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG