Hôm nay, hơn 2.000 người hát quan họ

Hát quan họ, lên đồng trên thuyền tại hội Lim năm nay Ảnh: Nguyễn Trường
Hát quan họ, lên đồng trên thuyền tại hội Lim năm nay Ảnh: Nguyễn Trường
TP - Sáng 12 tháng giêng âm lịch khai mạc Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh). Những khúc hát quan họ lại vang lên da diết, lúng liếng khắp đồi Lim. Bên cạnh đó không ít hình ảnh phản cảm cũng có dịp tái diễn.

> "Mặn" duyên người trẻ hội Lim

Những kỷ lục

Ngoài những trò chơi truyền thống như vật dân tộc, đập niêu, cờ người, đánh đu… khách tham quan đặc biệt chú ý những nơi tổ chức hát quan họ bởi đây là nét riêng của lễ hội Lim hằng năm. Các lán hát quan họ năm nay bố trí hệ thống âm - li, loa đài ngay từ đầu chứ không hát chay nữa.

Tuy nhiên, do số lượng lán quan họ tăng thêm nhiều (từ 4 lán lên 7 lán) nên khoảng cách giữa các lán trên đồi Lim khá gần, ảnh hưởng việc thưởng thức trọn vẹn chất vang, rền, nền, nẩy của những câu quan họ.

Chị Nguyễn Thị Minh (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), một khách du lịch, cho biết: “Tuy không đến nỗi phải lắng tai để nghe nhưng thật bực mình khi đứng ở một lán để nghe quan họ thì luôn bị những tiếng loa đài của các lán bên cạnh gây nhiễu”.

Ông Nguyễn Quang Nhị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh ước tính, lượng khách đến hội Lim đông gấp rưỡi so với mọi năm. Lượng khách trong những ngày lễ hội sẽ vào khoảng 10 vạn.

Năm nay UBND tỉnh Bắc Ninh dành 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ Hội những người yêu quan họ Bắc Ninh nhằm xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam “Hội có nhiều người mặc trang phục quan họ nhiều nhất” và “Hội có nhiều người cùng hát một bài dân ca quan họ nhiều nhất”.

Theo thông tin ban đầu, số lượng tham gia là khoảng hơn 3 nghìn người, nhưng đến chiều 3-2, ông Nhị cho biết là sẽ có khoảng hơn 2 nghìn người. Ông Nhị không khẳng định con số có phải là 2.012 người ứng với số năm dương lịch hay không.

Những liền anh, liền chị này đều vận trang phục quan họ và cùng hát “Mời nước, mời trầu”, “Khách đến chơi nhà”… Thời gian tổ chức sẽ bắt đầu vào sáng nay (4-2), từ khoảng 7 giờ 30 tới 8 giờ, tại trung tâm Hội Lim.

Trước những băn khoăn của dư luận cho rằng việc huy động số người khổng lồ này là một kiểu chạy theo hình thức, số lượng chứ không phải là việc gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, ông Nhị cho rằng: Đây là ý tưởng của Hội những người yêu quan họ khẳng định sự bảo tồn và lan tỏa của quan họ Bắc Ninh. Số lượng trên do các làng quan họ trong tỉnh huy động cũng đủ và các liền anh, liền chị đều tự nguyện, vui vẻ tham gia với niềm tự hào được đóng góp vào thành công chung của lễ hội.

Hội Lim sẽ lập kỷ lục về số người mặc trang phục và hát quan họ
Hội Lim sẽ lập kỷ lục về số người mặc trang phục và hát quan họ.

“Em xinh, em đứng xin tiền…”

Hội Lim là dịp tôn vinh quan họ, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng dường như đã bị thương mại hóa ít nhiều. Hầu hết các lán hát quan họ dựng trên đồi Lim đều rất đông liền anh, liền chị tham gia. Họ vẫn hát nhiệt tình với tất cả bầu nhiệt huyết của người yêu quan họ.

Nhưng trước mỗi lán thường được đặt sẵn những chiếc nón để ngửa, bên trong là những miếng trầu cánh phượng do chính người quan họ têm ngay tại lán. Khách đến nghe hát có thể lấy một miếng đem về làm kỷ niệm nhưng mục đích sâu xa hơn dường như là để chờ đợi những đồng tiền công đức của khách.

Một số lán cứ để nguyên chiếc nón quai thao ấy và chỉ gom tiền cất đi. Nhưng ở không ít lán, có người đứng ra cầm hẳn nón đi xung quanh để xin tiền. Chúng tôi đi tới các điểm hát quan họ dưới thuyền, tình cảnh cũng không khá hơn.

Chiếc nón quai thao trong những câu quan họ đẹp là thế, đáng yêu là thế bỗng trở thành vật đón nhận tiền của khách trên bờ một cách vô tư, tự nhiên đến… đáng hổ thẹn. Tại một điểm hát quan họ dưới thuyền đối diện Huyện ủy Tiên Du, hàng trăm người đứng xem liền anh, liền chị quan họ biểu diễn.

Nhưng xen lẫn những bài quan họ lúng liếng, những tà áo mớ ba, mớ bảy, khăn xếp, áo the lại hát những bài hát chẳng ăn nhập gì với lễ hội của người quan họ như “Tình ta biển bạc, đồng xanh”, “Sông quê”… Rất nhiều lần thuyền quan họ này tổ chức hát chầu văn với cả sự có mặt của một… thầy đồng.

Một liền chị thản nhiên một tay cầm quạt, một tay cầm xấp tiền của khách vừa đưa xòe ra múa như… lên đồng. Trong khi đó, ở một số chòi, lán quan họ của các bậc nghệ nhân cao niên thường có rất ít khách đến tham quan, nghe hát.

Một nghệ nhân nói: “Chúng tôi thường hát những bài quan họ cổ, khó hát và rất ít người hiểu được cái hay nên không nhiều người muốn nghe”.

Đi hội Lim, thấy nhiều người đến hội, nghe hát mà mừng cho quan họ đã có một chỗ đứng trong lòng người Việt. Mong sao những hình ảnh không đẹp trên sẽ không “đến hẹn lại lên” như câu hát dùng dằng của người Kinh Bắc!

Vào đền lễ Bà Chúa Kho, mất xe SH

Sáng 3-2, sau khi lên đền dâng lễ Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chị Phạm Thị Minh cùng chồng quay xuống bãi lấy xe ra về thì tá hỏa khi chiếc SH của mình đã “không cánh mà bay”.

Chiếc SH bị mất cắp thuộc sở hữu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Anh (SN 1971, trú tại Thượng Thanh - Long Biên - Hà Nội) và vợ Phạm Thị Minh trú tổ 26, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chiếc xe SH sơn màu đỏ, BKS 30N7 - 9161, đăng ký mang tên chủ xe là chị Phạm Thị Minh.

Theo ghi chép trong nhật ký trực an ninh của đội an ninh, tính từ Tết tới nay, khoảng 40 trường hợp đến trình báo bị mất trộm điện thoại, ví, tiền tại khu vực lễ hội. Riêng trong hôm qua (12 tháng Giêng) có sáu trường hợp đến trình báo bị mất tài sản.

“Lực lượng công an mặc thường phục đã bắt một số kẻ làm dịch vụ cúng thuê, lễ mướn và một số con nghiện rình rập ở đền chùa. Tuy nhiên, với số lượng khách lên đến cả vạn như thế, không thể nào kiểm soát được tất cả” - ông Nguyễn Văn Nhổm, Trưởng ban an ninh đền Bà Chúa Kho nói. - Tuấn Nguyễn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.