Hội thảo Vũ Đình Long và sự ra đời của kịch nói Việt Nam

Hội thảo Vũ Đình Long và sự ra đời của kịch nói Việt Nam
TP - Sáng  28/8, Hội thảo Vũ Đình Long và sự ra đời của kịch nói Việt Nam có đại gia tộc họ Vũ, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn học và những người yêu mến nền kịch nghệ Việt Nam. Hội thảo tổ chức nhân dịp cuốn sách Tuyển tập kịch Vũ Đình Long lần đầu ra mắt, gần 500 trang, do con dâu ông - bà Natasha người Nga tuyển chọn và biên soạn.

Ba tiếng đồng hồ cho các tham luận về Chén thuốc độc, Tòa án lương tâm…, những đóng góp khai phá một sân khấu kịch An Nam đầu thế kỉ 20. Thiệt thòi Vũ Đình Long (1896 - 1960) là sự kiện chấn động ngày 22/10/1921 khi vở Chén thuốc độc đầu tay ra mắt không có băng hình ghi lại, hình như cả ảnh đêm diễn cũng không nốt.

Bà quả phụ Mai Ngọc Hà 83 tuổi, vợ hai của Vũ Đình Long xúc động cảm ơn Quỹ Phan Châu Trinh cùng NXB Hội Nhà văn đỡ đầu tập sách. Tám vở kịch trong tuyển tập lần này được sao chép lại từ các tập bản thảo viết tay trên giấy pơ-luya mỏng ố vàng của Vũ Đình Long mà gia đình còn lưu giữ được.

Tuyển tập kịch Vũ Đình Long chắc sẽ là một tài liệu quý cho các nhà nghiên cứu, biên kịch và đạo diễn sân khấu. Vở Chén thuốc độc không chỉ diễn một đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội như mọi người vẫn tưởng, mà từng lưu diễn Hải Phòng, sân khấu Nhà Diệm Nam Định và cả Nam kỳ – như ông Nguyễn Văn Thành (Viện Sân khấu) tiết lộ.

Đến cuối hội thảo, chỉ còn người thân trong gia đình cùng các nhà nghiên cứu soạn thảo tâm huyết. Không thấy đại diện Hội Nghệ sĩ Sân khấu, các đạo diễn sân khấu đương thời?

Anh Nguyễn Mạnh Trường - truyền thông viên văn hóa, hậu duệ của Vũ Đình Long - tâm tư: “Một nhà hát của Pháp đang dàn dựng kịch Vũ Đình Long, công diễn thời gian tới. Người Âu trân trọng tác phẩm mang dấu ấn lịch sử của Việt Nam. Biết đâu dựng lại tác phẩm Vũ Đình Long sẽ là món quà cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đồng thời, “kho đặt tên đường phố Hà Nội” đang thiếu danh nhân, các nhà quản lý phải chăng nên tính đến một phố Vũ Đình Long ở trung tâm, hay tại Thanh Oai quê ông”.

MỚI - NÓNG