Truyện ngắn của Y Ban

Truyện ngắn của Y Ban
TP - Y Ban có một kiểu viết tưng tửng, rất gây khó chịu với những người chờ mong văn chương phải đẹp mượt mà, phải trau chuốt câu chữ, phải xoa dịu tâm hồn vốn mong manh dễ vỡ mà họ đang sở hữu.
Truyện ngắn của Y Ban ảnh 1

Nhưng sau cái vẻ đắng chát ban đầu, có thể thấy vị ngọt sâu như khi uống loại trà hảo hạng của miền sơn cước phía Bắc. Bên dưới những chi tiết có vẻ trần trụi, thậm chí sống sượng, có thể thấy một hiểu biết tinh tế về con người. Giễu ư? Có thể! Nhưng còn có cả một cái gì như lòng thương. Thương người, thương chính mình.

Y Ban có sức viết dồi dào. Chị nói, hiện chị có tập bản thảo trên 100 truyện mini chưa in. Dưới đây là hai trong số đó. L.A.H

Cơm cân

Thực ra tôi cũng không chắc lắm. Vì tôi đã từng quan sát rất kỹ nết ăn của một số người. Họ có cách ăn thế này, nếu ăn mà phải bỏ tiền ra mua thì họ ăn rất ít còn nếu ăn không phải bỏ tiền ra mua thì họ ăn rất nhiều.

Đặc biệt là khi ăn tự chọn. Họ lấy rất nhiều đồ ăn, chất đầy một đĩa lớn rồi họ không thể ăn hết được đành phải đổ đi. Tôi đã nghe rất nhiều người phàn nàn rằng trong những bữa tiệc chiêu đãi thì đĩa ăn của người Việt thường thừa nhiều thức ăn nhất.

Đặc biệt là với những người đi du lịch nước ngoài thì những bữa ăn tự chọn có đoàn người Việt thì thức ăn trong khay thường hết rất nhanh, còn thức ăn thừa thì lại còn rất nhiều. Mà thức ăn thừa đó sẽ bị đổ đi, người khác không ăn được nữa.

Điều này rất gây khó chịu cho người bản xứ. Họ không quen với cách ứng xử với thức ăn như vậy. Thậm chí có những nơi, mặc dù họ rất muốn phát triển du lịch nhưng họ vẫn phải để một tấm bảng viết và chỉ để khi thấy có mặt của đoàn người Việt: chỉ lấy thức ăn vừa đủ, bằng tiếng ta hẳn hoi. Vậy mà những đĩa thức ăn vẫn bị bỏ dở.

Vào chuyện. Có một ông khách ưu tú (cũng đồng nghĩa là không nghèo) của ta được mời sang thăm nước ngoài theo cách nhân dân và nước này cùng làm. Có nghĩa là nước họ không được bao từ A đến Z. Nhà ở thì được trả tiền, đi lại thì được trả tiền, còn ăn thì khách ưu tú phải tự bỏ tiền.

Vậy là có chuyện. Ông khách phải bóp mồm bóp miệng. Có nghĩa là ông phải ăn rất ít. Ừ thì ăn ít cũng rất tốt, đỡ phải mỡ trong máu.

Rồi một hôm ông được đưa đến một nơi rất sang trọng tham quan. Sau đó đưa đến nơi ăn uống. Ở chỗ ăn uống bày rất nhiều khay thức ăn tự chọn. Ông khách ưu tú sáng mắt. Sáng mắt không phải vì nhiều loại thức ăn. Sáng mắt vì chắc mẩm sẽ được ăn mà không phải trả tiền.

Mấy hôm bị bóp mồm bóp miệng rồi, giờ được ăn thoải mái. Thế là hai tay hai đĩa, mải mê gắp xúc vào đĩa. Rồi chọn chỗ để ngồi ăn. Nhưng... Phải cân đã. Cân toàn bộ thức ăn lên rồi tính tiền. Chết chết chết 118 USD. Trời ạ, có hai đĩa ăn mà mất hơn hai triệu VND.

Truyện ngắn của Y Ban ảnh 2

Làm thế nào đây hở giời. Nuốt sao nổi hở giời. Rồi giời cũng sai mắt đến cứu. Có một cháu sinh viên nhìn thấy mặt chú tái quá mới nhắc nhỏ vào tai: chú trả bớt lại thức ăn đi, chuối, trứng, bánh tráng miệng... còn cơm với thức ăn trộn với nhau thì không trả được. Cuối cùng cũng còn hơn 20 USD.

Nuốt miếng cơm vào miệng mà như nuốt rơm. Ông khách ưu tú ngồi nghĩ ngợi, ở đất nước ông cũng có cơm cân, nhưng là “ăn cơm cân mặc áo số”. Nhưng ở nước Mỹ mà cũng có cơm cân. Cơm cân ở nước ông là đi kèm với áo số, không biết cảm giác của người mặc áo số khi nuốt cơm cân thế nào. Chứ còn ông đang cố nuốt cho hết chỗ cơm cân. Chết chết chết những 20 đô đấy. Cháu sinh viên đã ăn cơm xong qua chỗ ông khách ưu tú hỏi:

- Chú ăn có ngon không ạ?

Ông nhủng nhẳng trả lời:

- Không mất tiền thì ăn cũng ngon đấy.

- Chú không biết nên lấy nhiều quá, tiền mình bỏ ra nên bỏ lại cũng được chú ạ - Cháu sinh viên vô tư nói với ông khách.

Ông khách ưu tú hơi nổi nóng:

- Bỏ là bỏ thế nào, đã mất tiền thì phải ăn hết chứ.

Cháu sinh viên vội vã đứng lên.

Có lẽ chính vì vụ cơm cân này mà khi ông khách ưu tú trở về đất nước mình ông đã không đừng được mà phải thổ lộ với tay lái ta xi, mới chưa học xong lớp 7:

- Này tớ vừa trở về từ nước ngoài đấy, tưởng nước họ thế nào, hóa ra vơ vẩn. Vơ vẩn lắm chả bằng nước mình.

Tái bút: Tôi xin tặng câu chuyện này cho những nhà hàng có khách du lịch. Hãy để một cái cân cạnh bàn ăn tự chọn thì sẽ không phải để cái bảng viết dòng chữ: chỉ lấy thức ăn vừa đủ.

Giữ gìn trinh tiết

Tôi được một người bạn trai mời đến một tiệm mát xa. Tất nhiên ở một tiệm mát xa sang trọng thì sẽ giá cả sẽ cao hơn nhưng các dịch vụ sẽ tốt hơn và sẽ nhiều khách VIP đến. Người bạn trai này của tôi đúng nghĩa là bạn trai. Chúng tôi học cùng với nhau 5 năm đại học.

Tôi phận nữ an bài chuyện chồng con nên chỉ là công chức bình thường. Bạn trai của tôi đã là vụ trưởng. Chúng tôi chơi với nhau hồn nhiên như cái thưở còn đi học. Tuyệt nhiên không có chuyện lợi dụng và sàm sỡ nhau.

Bạn trai của tôi có vẻ như là người rất hay đến nơi đây. Trông cái cách từ bảo vệ đến tiếp tân đón tiếp là biết ngay khách quen hay khách lạ. Một chú bé ở phòng trông đồ hỏi bạn trai của tôi:

- Chú ơi, cô này là vụ trưởng hay là thứ trưởng đấy ạ?

- Cô này ấy à? Phó thường dân nhưng lại khó tính như ranh, chúng mày cẩn thận không cô ấy không bo cho đâu.

Lên phòng mát xa tôi và bạn trai được xếp chung một phòng. Vì cái lí thuyết âm dương được áp dụng triệt để ở cơ sở mát xa này. Tất nhiên như vậy thì bạn trai của tôi sẽ được nhân viên nữ mát xa còn tôi thì được nhân viên nam mát xa. Chi phí cho một lần mát xa một trăm hai mươi phút với các loại tinh dầu hoa và chườm đá nóng là năm trăm nghìn.

Vậy nên có lẽ mọi khách hàng cũng như chúng tôi đều tập trung để tận hưởng những cảm giác dễ chịu của sự mát xa có tay nghề cao ở đây. Tôi không bị thiếp vào giấc ngủ. Lần đầu tiên tôi đi mát xa nên tôi tò mò muốn tìm hiểu mọi thứ. Nhân viên mát xa cho tôi bắt chuyện:

- Chú bạn cô hay đến chỗ chúng cháu lắm. Lần trước chú ấy còn đưa cả sếp của chú ấy đến nữa đấy. Thứ trưởng đấy cô ạ.

- Vậy à.

Bạn trai tôi chắc nghe được câu chuyện của chúng tôi nên chõ mồm sang:

- Này thằng cu kia, hớt lẻo gì đấy.

- Ối dào cậu sợ gì chứ. Tôi lên tiếng. Tớ khác gì một thằng bạn của cậu đâu chứ.

Bạn trai tôi bảo:

- Cũng phải.

- Này Thắm, hóa ra cậu có đôi chân đẹp thật đấy. Thẳng vút và trắng nõn nà thế kia.

- Này cậu, đừng có tán khéo tớ đấy. Trên cơ thể tớ chả có chỗ nào đẹp đâu.

- Mày ngu lắm Thắm ạ. Mày không biết tự yêu mày. Mày có đôi chân rất đẹp. Mày phải tự hào về điều đó để mà lên mặt với chồng chứ.

- Thôi tôi xin ông.

- Này thằng cu kia mày sang đây mày nằm vào chỗ chú để con này nó mát xa cho mày, để chú mát xa cho cô.

- Thôi ông ơi, ông đừng làm trò cười nữa.

Nhân viên mát xa nói nhỏ với tôi:

- Lần trước đưa sếp đến, chú ấy cũng mát xa cho cô ấy đấy. Nhưng cô ấy chỉ cho chú ấy mát xa từ đầu gối trở xuống thôi.

- Vậy à?

Bạn trai tôi đến chỗ tôi. Tôi không muốn làm bạn mất mặt nên bảo:

- Cậu chỉ được mát xa từ đầu gối trở xuống thôi đấy.

- Tao biết rồi, gớm quá, già sắp xuống lỗ còn ca mãi cái bài giữ gìn trinh tiết.

Bạn trai tôi kéo một chiếc ghế lại gần rồi ôm hai bàn chân tôi vào lòng. Những động tác rất đỗi thành thục như một nhân viên mát xa lành nghề. Chỉ có điều theo cách của bạn trai tôi chứ không phải là cách của các nhân viên mát xa đang làm là không bao giờ được mát xa hai chân cùng một lúc và không bao giờ được ôm chân khách hàng vào lòng như vậy. Như vậy là hai bàn chân của tôi được ôm vào lòng.

Bạn trai tôi theo đúng giao kèo, chỉ mát xa từ đầu gối trở xuống. Nhưng có cái gì đó động đậy ở hai bàn chân tôi. Tôi biết rõ nó là cái gì. Da ở hai bàn chân cũng nhậy cảm như là da ở hai bàn tay vậy. Tôi bỗng rũ ra cười.

Tôi cười bởi hai lẽ. Lẽ thứ nhất, nếu tôi chỉ cần đạp mạnh hai chân thì tất có thứ trong lòng bạn trai tôi bị thương. Lẽ thứ hai là tôi cười vì cái sự gìn giữ trinh tiết của đàn bà chúng tôi. Tôi cười lăn lộn đến mức phải co chân lên. Bạn trai tôi chán không muốn bóp chân cho tôi nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.