Thêm 5 dự án luật trình Quốc hội:

Giảm thuế ô tô, tăng thuế thuốc lá, bia hơi

Giảm thuế ô tô, tăng thuế thuốc lá, bia hơi
5 dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội trong ngày làm việc hôm qua (2/11). Đáng chú ý nhất là hai dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và dự án Luật  bảo hiểm xã hội.

Theo luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, ô tô nhập khẩu từ 5 chỗ ngồi trở xuống chịu thuế suất là 80%; từ 6 đến 15 chỗ ngồi (50%) và từ 16 đến dưới 24 chỗ (25%).

Còn đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, các mức thuế tương ứng lần lượt là 40%; 25%; 12,5% (năm 2006 dự kiến áp dụng lần lượt là 56%; 35% và 17,5%). “Nay, để phù hợp với tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đề nghị áp dụng một mức thuế thống nhất như sau: ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống 50%; từ 6 đến 15 chỗ 30% và từ 16-24 chỗ là 15%”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng kiến nghị trước Quốc hội.

Theo phân tích của ông Nguyễn Sinh Hùng, mức thuế suất nói trên có ưu điểm là góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước vì mức này thấp hơn mức dự kiến được áp dụng trong năm 2006 của Luật thuế hiện hành.

Bên cạnh giảm thuế với ô tô nhập khẩu, thuế suất của bia tươi cũng được giảm rất mạnh (từ 75% hiện hành xuống 30% trong hai năm 2006-2007 và lên 40% từ năm 2008).
Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2007, thuế suất đối với bia hơi vẫn giữ nguyên như hiện hành (30%) nhưng từ năm 2008 thuế suất đối với mặt hàng này sẽ tăng lên 40%. 
Cũng để phù hợp với các quy tắc của WTO, rượu từ 40 độ trở lên thuế suất sẽ được giảm xuống 10% so với mức hiện hành (hiện là 75%), tuy nhiên rượu thuốc lại bị tăng thuế suất thêm 5% (hiện hành là 15%).
Thuốc lá điếu sản xuất từ nguyên liệu trong nước và thuốc lá điếu không đầu lọc cũng sẽ bị tăng thuế suất cùng lên mức 55% trong hai năm 2006-2007 và lên 65% từ năm 2008.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Sinh Hùng, mức thuế suất mới còn “góp phần ổn định thu NSNN và phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của nước ta”. Nếu Quốc hội chấp thuận mức thuế suất nói trên thì so với các nước xung quanh, thuế suất đối với ô tô ở nước ta tương đương với thuế suất của Thái Lan, Philipines và thấp hơn thuế suất của Malaysia.

Tính toán khá cụ thể, ông Nguyễn Sinh Hùng cho hay, với mức thuế suất này, NSNN sẽ tăng thu từ việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước 360 tỷ đồng nhưng lại giảm thu 140 tỷ từ ô tô nhập khẩu.

Như thế, sau khi bù trừ tăng giảm, NSNN cũng sẽ tăng thu khoảng 220 tỷ đồng/ năm. “Đối với ô tô sản xuất trong nước, tuy có chịu mức thuế suất cao hơn so với năm 2005 (mức đề nghị với Quốc hội tăng so với mức thuế suất năm 2005 lần lượt là 10%, 5% và 2,5%) nhưng các nhà sản xuất ô tô sẽ không thể điều chỉnh tăng giá tương ứng vì phải tính đến yếu tố cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.

Trong khi đó, ô tô nhập khẩu sẽ giảm giá do được giảm thuế suất khá nhiều (30%; 20% và 10%) ”- Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định về tác động của mức thuế suất mới đối với thị trường ô tô.

Bảo hiểm thất nghiệp: Luật hay pháp lệnh?

Điểm nổi bật của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội trình Quốc hội lần này là quy định về bảo hiểm thất nghiệp. “Trong nền kinh tế thị trường, người lao động luôn luôn phải đối mặt với những rủi ro do bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta hiện nay vào khoảng 5,5% và người lao động thường phải tự lo nên gặp nhiều khó khăn”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng đưa ra cơ sở này để thuyết phục Quốc hội. 

Nếu được Quốc hội chấp thuận, người lao động sẽ phải đóng 1% tiền lương, tiền công hàng tháng và người sử dụng lao động đóng 1,5% tổng quỹ tiền lương, tiền công tháng của những người tham gia loại bảo hiểm thất nghiệp. Khi người lao động bị thất nghiệp sẽ được hưởng 55% tiền lương đang lĩnh nhưng không quá 12 tháng.

Tuy đồng tình về mặt chủ trương phải có thêm loại hình bảo hiểm thất nghiệp, nhưng bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng “đây là vấn đề rất khó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thật kỹ, có đề án cụ thể và nên tách vấn đề này để ban hành pháp lệnh, khi chín muồi sẽ ban hành luật để đảm bảo tính khả thi”.  

MỚI - NÓNG