Cục trưởng Hải quan Bắc Ninh lên tiếng việc để vợ kinh doanh trong lĩnh vực quản lý

Trụ sở Cục Hải quan Bắc Ninh.
Trụ sở Cục Hải quan Bắc Ninh.
TPO - Trước những lùm xùm liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp tố cáo Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Thành Tô có dấu hiệu vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng khi để vợ tham gia hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình quản lý, ông Tô đã lên tiếng lý giải các vấn đề trên.

Vợ và cháu làm trong ngành logistics

Ngày 3/7/2012, Cục Hải quan Bắc Ninh (thuộc Tổng cục Hải quan) được thành lập. Dù tên gọi là Cục Hải Quan Bắc Ninh nhưng cơ quan này thực hiện chức năng quản lí nhà nước về Hải quan tại 3 tỉnh, gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Đây là một địa bàn quan trọng với mật độ doanh nghiệp FDI dày đặc hàng đầu cả nước. Tháng 8/2012, ông Trần Thành Tô được bổ nhiệm làm Cục trưởng.

Cục trưởng Hải quan Bắc Ninh lên tiếng việc để vợ kinh doanh trong lĩnh vực quản lý ảnh 1 Trụ sở Cục Hải quan Bắc Ninh.

Nhiều ngày qua, một số cơ quan báo chí đưa tin, ông Tô bị nhiều doanh nghiệp khiếu nại trong điều hành công việc. Trong đó, có hai nội dung quan trọng là ông Tô để vợ kinh doanh trong ngành nghề logistics và ông Tô không bị luân chuyển khi đã quá thời hạn theo quy định.

Việc vợ ông Tô kinh doanh trong ngành do ông này quản lý liên quan đến Công ty cổ phần tiếp vận ATT Việt Nam (viết tắt là Cty ATT Việt Nam). Cty ATT Việt Nam được thành lập ngày 20/10/2015, vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Công ty này có nhiều khách hàng lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên, như Cty Luxshare VT, Vinasolar, Wonjin…  Logistics là hoạt động thương mại, thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng. Như vậy, Cty ATT Việt Nam được xem là có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực mà ngành hải quan quản lý. 

 Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh xác nhận, vợ ông là bà Phạm Thị Thu đang làm tại công ty ATT Việt Nam. Tháng 8/2018 sau khi nghỉ hưu, bà Thu được cháu mời về quản lý tại Cty ATT Việt Nam phụ trách mảng tài chính, kế toán, hạch toán chứ không tham gia cổ phần. “Cty ATT chuyên làm vận tải trong nước và quốc tế, làm dịch vụ khai hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cty ATT Việt Nam được thuê để làm dịch vụ khai hải quan (giống như làm dịch vụ đăng ký xe máy), không phải là cty xuất nhập khẩu. Các quan hệ này là gián tiếp và hải quan không thể gặp và can thiệp, do đó không thể tham nhũng được”, ông Tô nói.   

Quá hạn, chưa luân chuyển là do cấp trên chưa có phương án?

Hiện tại, ông Tô tại vị hơn 8 năm quá thời hạn luân chuyển theo quy định của Bộ Tài chính. Cụ thể, tại danh mục ban hành kèm Quyết định 686/QĐ-BTC ngày 19/4/2019 của Bộ Tài chính (quy định vị trí công tác và thời hạn luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính) nêu, đối với khối cơ quan Tổng cục, các chức vụ Cục trưởng và tương đương thời hạn thực hiện luân phiên lĩnh vực công tác tối đa là 8 năm (trường hợp có đặc thù phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định).

Riêng với các vị trí công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo nhưng ở các vị trí nhạy cảm, thời hạn để luân chuyển công tác thường chỉ 2 năm, tối đa từ 3-5 năm. Ngay như Tổng cục Hải quan, các công chức làm công tác kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, quản lý rủi ro, chống buôn lậu, thanh kiểm tra sau thông quan... thời hạn luân chuyển chỉ có 2 năm. Trong khi đó, tính đến thời điểm này ông Trần Thành Tô đã làm Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh được 8 năm 4 tháng.

Việc này, ông Trần Thành Tô cho hay, việc luân chuyển, làm phương án nhân sự là do Bộ Tài chính quy định. Thẩm quyền bổ nhiệm, luân chuyển chức vụ Cục trưởng phải do Bộ Trưởng và Vụ Tổ chức làm quy trình. Theo Quy định 98-QĐ/TW (quy định về luân chuyển cán bộ) 2 nhiệm kỳ là 10 năm. “Cứ cho là quá 8 năm nhưng phải sắp chỗ phù hợp để tôi luân chuyển đi. Trong khi Nghị định 138/2020/NĐ-CP (về tuyển dụng, sử dụng, và quản lý công chức) quy định về tiêu chuẩn điều kiện luân chuyển phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ. Trong khi đó, tôi chỉ còn 20 tháng nữa là nghỉ hưu”, ông Tô lý giải.

Khoản 4 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn như sau:  “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. Khoản 3 Điều 83 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng) xử lý bằng hình thức cảnh cáo với hành vi để vợ kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý nhà nước.

MỚI - NÓNG