10 năm không xong 2km đường

10 năm không xong 2km đường
TP - Được phê duyệt từ năm 2001 nhưng sau 10 năm triển khai dự án đường Cát Linh - Láng (Hà Nội) vẫn chưa xong. Ùn tắc, công trường bịt lối đi là cảnh tượng mà người dân hai bên đường đang phải gánh chịu.

> Nhà dân có nguy cơ đổ sập

Sau 10 năm triển khai Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa hoàn thành 2km đường Cát Linh - Láng. Ảnh: Anh Trọng
Sau 10 năm triển khai Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa hoàn thành 2km đường Cát Linh - Láng. Ảnh: Anh Trọng.

Hành dân suốt 10 năm trời

Cổng ra vào nhà anh Nguyễn Văn Thụ ở tổ 13 phường Thịnh Quang, quận Đống Đa trước đây mở ra ngõ Thái Thịnh 2, tuy nhiên mấy năm gần đây anh đã phải phá tường rào phía sau để đi ra ngách 26.

Lý giải việc này, anh Thụ cho biết, từ ngày toàn bộ con ngõ này thuộc một phần dự án xây dựng tuyến đường Cát Linh - Láng thì nhà anh mất cổng.

“Vật liệu xây dựng và công trường đào bới ngổn ngang, sợ cháu nhỏ đi lại không may gặp tai nạn nên tôi phải phá tường rào mở cổng ra phía sau”, anh Thụ nói.

Dự án đường Cát Linh - Láng được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2001 và yêu cầu hoàn thành năm 2003. Dự án có chiều dài 1.800 m, quy mô 6 làn xe, rộng 20m. Thời điểm phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư bằng tiền ngân sách hơn 184 tỷ đồng.

Các hộ dân ở tổ dân phố số 13 cũng cho biết, tuy vật liệu, máy móc tập trung về nhiều và công trường quây rào khắp nơi nhưng hơn 10 năm qua dự án đường Cát Linh - Láng mới chỉ dừng lại ở việc lấp mương, mở rộng mặt bằng.

“Ngoài phải sống với bụi bặm, ô nhiễm người dân chúng tôi còn mất đường đi lại. Với những hộ dân sống bằng nghề kinh doanh trên ngõ Thái Thịnh 2 thì chẳng làm ăn được gì”, bà Lê Thị Cúc, một người dân ở tổ dân phố 13, phường Thịnh Quang phản ánh.

Có mặt tại tuyến đường Cát Linh- Láng vào những ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, toàn bộ tuyến đường dài gần 2 km như một đại công trường bị đắp chiếu. Men theo các con phố Hào Nam, Hoàng Cầu và ngõ Thái Thịnh 2 đi hết dự án, PV chỉ thấy từng đoạn đường làm nham nhở, vật liệu xây dựng, ống bê tông và bao tải xi măng nằm lăn lóc.

Ngoài dải phân cách ở giữa, làn đường hai bên của tuyến đường Cát Linh - Láng vẫn chưa có bên nào hoàn thành như thiết kế. Nhiều đoạn mặt bằng được giải phóng, dải phân cách giữa chưa thi công nên một số hộ kinh doanh đã tận dụng căng dây, dựng lều bạt làm bãi trông giữ ô tô, mở quán giải khát.

Riêng công trường đoạn qua hồ Đống Đa còn bị biến thành chợ mua bán đồ cũ. Với các đoạn giao với phố Thái Thịnh, Thái Hà... do việc thi công còn ngổn ngang nên thường xuyên gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Hứa cho nhiều rồi lại... quên

Tháng 9-2011 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đi kiểm tra tiến độ thi công tại dự án đường Cát Linh - Láng.

Sau khi báo cáo tiến độ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) đã khẳng định với Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đến thời điểm này (9-2011) dự án không còn khó khăn gì nữa và đang đi vào hoàn thành từng hạng mục.

“Do đó từ nay đến cuối năm (2011) dự án sẽ thông xe toàn tuyến để tổ chức lại giao thông khu vực Láng đồng thời hình thành trục đường thông suốt từ Cát Linh - Láng, giảm áp lực cho tuyến Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở khu vực dự án đường Cát Linh - Láng cho biết, từ thời điểm Bí thư Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra đến nay dự án hầu như không có chuyển biến, đường vẫn chưa thông và người dân vẫn sống trong bụi bặm, công trường ngổn ngang.

Lý giải về việc này, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Tiến Doãn, Phó giám đốc BQL dự án Giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, ngoài vướng mắc công tác GPMB dự án vừa triển khai vừa phải đảm bảo thoát nước từ khu vực Cát Linh ra sông Tô Lịch nên vào mùa mưa dự án phải tạm dừng một số hạng mục.

Ông Doãn cũng cho biết, năng lực nhà thầu là Cty Xây dựng Sông Hồng và Cty Đông Đô yếu là một trong những nguyên nhân làm dự án bị chậm tiến độ (!).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.