20 năm, một tấm lòng nhân ái

Bác Ngô Thị Dung. Ảnh: K.N
Bác Ngô Thị Dung. Ảnh: K.N
TP - Bác Ngô Thị Dung là bạn đọc của Tiền Phong suốt 24 năm qua. Cứ đọc thấy những cảnh ngộ thương tâm, bác Dung lại dành dụm để qua báo gửi tới những thân phận khó khăn.

> Tiền Phong là tờ báo không né tránh
> Báo Tiền Phong kỷ niệm sinh nhật lần thứ 58

Bác Ngô Thị Dung. Ảnh: K.N
Bác Ngô Thị Dung. Ảnh: K.N.

PV Tiền Phong đến phòng 407, nhà E7, Khu Tập thể Bách Khoa (Hà Nội) gặp vợ chồng bác Ngô Thị Dung, một bạn đọc lâu năm của Tiền Phong, đã 20 năm qua thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được báo phản ánh.

“Chúng tôi đọc Tiền Phong từ năm 1987, thời gian đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn đổi mới. Khi đó, Tiền Phong là một trong những tờ báo đi tiên phong trong việc phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống, trong đó chúng tôi rất chú ý đến những bài viết về thân phận con người, những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, sẻ chia”- bác Dung nói.

Nay đã 88 tuổi, nhưng bác Nguyễn Khắc Lung (chồng bác Dung) vẫn nhớ lần đầu tiên mình đi tìm để sẻ chia với một gia đình bị nạn. Cách đây gần 20 năm, Tiền Phong đã đăng bài phản ánh bức tường kho gạo tại khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội) bị đổ khiến chồng con của một phụ nữ tử vong, còn người phụ nữ này bị gãy chân.

Qua địa chỉ trên báo, bác Lung đã tìm gặp người phụ nữ bất hạnh sau hơn một giờ ngồi xe ôm tìm kiếm người phụ nữ bất hạnh này, khi chị vẫn thẫn thờ cầm bức ảnh chồng con. Sau khi thăm hỏi sẻ chia, bác Lung biếu người phụ nữ một chút tiền để chị dưỡng bệnh.

Từ đó, vợ chồng bác Lung thường xuyên gửi tiền qua bưu điện giúp những hoàn cảnh khó khăn được Tiền Phong phản ánh. Một lần, khi bác Dung gửi tiền đến nơi thì người cần được giúp đã mất, bưu điện hoàn tiền lại người gửi. Buồn vì tiền đến chậm, bác Dung chợt nghĩ sao không nhờ Tiền Phong chuyển giúp, biết đâu báo có cách để tiền gửi có thể đến nhanh hơn.

Đến Tòa soạn bác được biết, đối với những hoàn cảnh không cần gấp, báo vẫn chuyển tiền qua bưu điện bình thường; nhưng trường hợp đặc biệt cần nhanh, Tiền Phong sẽ chuyển qua tài khoản cho Ban đại điện của báo phụ trách địa phương đó để có thể chuyển đến tay người nhận. Từ đó, vợ chồng bác Dung thường xuyên tới Tiền Phong để nhờ báo chuyển tới những địa chỉ cần giúp đỡ.

Trong suốt hai chục năm qua, hằng tháng mỗi khi lĩnh lương hưu, vợ chồng người cán bộ già này lại trích ra một khoản tiền để giúp người nghèo. Đến nay, đã có trên dưới hai trăm hoàn cảnh khó khăn mà Tiền Phong nêu được hai bác giúp đỡ. Bên cạnh đó, hai bác còn động viên con cháu làm công việc này. Gần đây, do tuổi cao, sức khoẻ không cho phép nên các bác không thể tự tới Tiền Phong mà để con cháu mang đến.

Vợ chồng bác Lung tâm sự: “Lương hưu chúng tôi có hạn, nhưng vẫn hơn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Có những người sống trong hoàn cảnh rất tuyệt vọng. Mình đến với người ta, chí ít cũng động viên được trong xã hội vẫn còn có người nghĩ đến họ”.

Nhiều năm âm thầm giúp đỡ người nghèo, đến khi chúng tôi ngỏ ý muốn thông tin việc này hai bác lại ngần ngại không muốn. Thuyết phục mãi, hai bác mới đồng ý. Khi chia tay, hai bác còn gửi PV một khoản tiền đã chuẩn bị từ mấy hôm trước để giúp đỡ một gia đình nghèo mà chưa thể chuyển tới tòa soạn được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".