20 năm nuôi rùa để... ngắm

Tác giả với con rùa hơn 10 kg và đã 20 tuổi
Tác giả với con rùa hơn 10 kg và đã 20 tuổi
TP - Đắk Lắk có một điểm hẹn “Cà phê Rùa” độc đáo. Sau 20 năm nuôi rùa chỉ vì yêu thích, không bán, không ăn thịt hay lấy trứng, tới nay ông chủ quán này sở hữu đàn rùa khoảng 60 con.

Đó là ông Hoàng Mạnh Cường, quê gốc miền Bắc, sinh năm 1962 tại TP Buôn Ma Thuột. Từ bé đến nay ông duy trì sở thích tìm mua lại những con thú hoang dã sắp bị giết thịt đem về nuôi, tìm cách nhân giống với mục đích bảo tồn. Hiện quán cà phê Kiên Cường liền với khu vườn rộng gần 4.000m2 của ông ở đường Hoàng Hoa Thám (TP Buôn Ma Thuột) có một góc dành cho du khách thích chơi với loài rùa.

Ông Cường chia sẻ: Ông yêu thích loài rùa hiền lành, dễ nuôi, lại ngày càng trở trên hiếm quý vì bị con người săn bắt, tận diệt. Hai mươi năm trước, ông mua được vài con rùa nhỏ từ những người nuôi chim cảnh bên đường phố, đem về nuôi. Đây là loài rùa đất lớn, còn gọi là rùa Voi Vàng hoặc rùa Nước. Thế giới mới phát hiện ở một số nước Châu Á như Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan...

Loài  rùa này trong tự nhiên thường sống ở ao, sông, suối, đầm lầy có nước chảy chậm trên nhiều địa hình có độ cao khác nhau, thích ăn trái cây, thực vật thủy sinh và động vật nhỏ. Ngoài việc chăm sóc cẩn thận, ông Cường dành hẳn một khoảnh vườn rộng xây hồ, tạo tiểu cảnh cho rùa vui chơi, đẻ trứng.

Rùa thích thời tiết mát dịu nên mỗi sớm mai, lúc chiều tối hoặc sau khi mưa xuống, chúng lại nhộn nhịp kéo ra sân chơi. Dưới sự chứng kiến của phóng viên, ông Cường mang vào chuồng cả ôm rau lang xanh mướt rửa sạch, và những trái sung chín mới hái trên cây. Đàn rùa bò rất nhanh ra ngóng cổ chờ, rồi nhanh chóng ngoạm lấy, chén rào rạo ngon lành. Rùa nằm trên bờ khô ráo nhìn lổm ngổm như những tảng đá phủ bụi. Nhưng khi chúng vừa từ dưới nước trườn lên, bộ mai con nào cũng óng ả, vân nổi rất đẹp.

20 năm nuôi rùa để... ngắm ảnh 1 Rùa con 2 tháng tuổi 

Sau khi ăn no, rùa trườn xuống hồ, bơi lội. Ông Cường cho biết, loài rùa này thường chỉ phối giống dưới nước. Nếu sống nơi thiếu nước, rùa đẻ bao nhiêu, trứng cũng không nở. Chân nhỏ đầu nhỏ, yếm đầy không lõm là rùa cái. Còn chân lớn đầu lớn yếm lõm là rùa đực. Theo ông Cường, rùa là loài máu lạnh như rắn, không ngại xảy ra hiện tượng đồng huyết như đa số các loài khác.  

Ông thường cho đất hoặc cát ẩm để rùa dễ đào hố đẻ trứng. Hiện đàn rùa nhà ông Cường có khoảng 60 con, trong đó hơn 20 rùa cái đang tuổi sinh sản. Mỗi năm đẻ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 4-6 trứng. Trứng ba ba tròn như trái banh bông, còn trứng rùa hình bầu dục. Những quả trứng thuôn dài khoảng 4-5 cm được rùa mẹ vùi sâu, nén chặt trong đất ẩm hoặc cát ẩm sẽ tự nở sau 8 đến 10 tuần.

Sau 20 năm nuôi rùa với mục đích bảo tồn, không bán, không ăn thịt hay lấy trứng, niềm vui của ông Cường bây giờ là đàn rùa khoảng 60 con đủ các cỡ. Du khách đến nhà ông có người xin cho em bé nhỏ ngồi trên mai rùa lớn chụp ảnh. Có người cầm rùa con trên tay “tự sướng”. Bên ngoài vách lưới có sẵn vòi rửa tay và xà bông, vì ... lỡ nước đái rùa mà giây ra thì ôi thôi, khai vô địch đấy.

MỚI - NÓNG