Ước mơ của cậu bé 14 tuổi vẽ tranh bằng miệng

Giúp đang vẽ tranh bằng miệng
Giúp đang vẽ tranh bằng miệng
TP - Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo, bị bại não, liệt tứ chi từ nhỏ, suốt 5 năm nay, cậu bé 14 tuổi La Văn Giúp miệt mài vẽ tranh bằng… miệng, với ước mơ làm được gì đó giúp gia đình bớt khổ.

Chị Trương Thị Vân (41 tuổi, ở thôn Cửu Lợi, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - mẹ của Giúp, kể: “Giúp là con lớn trong nhà. Cháu vừa sinh ra, bác sĩ cho biết cháu bị bại não, liệt tứ chi, suốt đời phải nằm một chỗ.

Mọi sinh hoạt hàng ngày của cháu đều phải có người khác giúp. Mấy năm gần đây, nhận thấy sự vất vả của ba mẹ, cháu bắt đầu ngậm bút bằng miệng vẽ tranh, với mơ ước sẽ thành công để giúp đỡ phần nào cho gia đình”.

Nhà chị Vân nằm sát cạnh con sông Cửu Lợi, xung quanh là những rặng cát cao quá nóc nhà. Bản thân chị Vân cũng mang trọng bệnh u xơ dính khớp cấp tính, qua 4 lần phẫu thuật mà bệnh tình vẫn trầm trọng, nước dịch vẫn chảy dài trên thân thể chị.

Bức tranh “con tàu” của Giúp
Bức tranh “con tàu” của Giúp .

Chị và 3 người con chỉ sống nhờ từ những đồng tiền đi làm mướn tại cảng biển Tam Quan, của chồng chị là anh La Văn Oai (42 tuổi) nên cuộc sống bần hàn.

Theo lời tâm sự của người mẹ, Giúp không được học chữ. Một lần chị đi gánh cá thuê ngoài cảng về thấy con bò dưới nhà lượm cây bút chì của em và ngậm vẽ tranh lên nền đất. Những nét vẽ còn chưa rõ ràng nên chị chạy đi vay tiền bà con mua bút giấy cho cháu.

Mọi sự sẻ chia xin gửi về Ban đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng (19 - Ngô Gia Tự - TP Đà Nẵng)

Chỉ vài tháng sau với bút chì cộng với tô màu cháu vẽ thành những bức tranh về những con thuyền của ba đi biển, bến sông trước nhà… Những bức tranh của cháu may mắn được bà Rosella Iacobelli - Trưởng đại diện dự án Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của AIFO (Ý) tại Bình Định tình cờ biết đến, và động viên khuyến khích cháu tiếp tục theo đuổi ước mơ.

Gia cảnh quá khó khăn, chị Vân đã nhiều lần làm đơn gửi chính quyền xã, huyện để xin được suất trợ cấp đối với trẻ em tàn tật đỡ gánh nặng áo cơm cho gia đình.

Nhưng được cán bộ xã trả lời: “Gia đình phải có từ 2 cháu bị tật nguyền trở lên mới được nhận sự trợ cấp xã hội!”. “Tui ngậm ngùi ra về, chỉ bản thân tôi và con tôi bệnh tật mà gia cảnh đã éo le, thêm một người tàn tật nữa thì sống sao nổi!” - chị Vân nói.

Hoàn cảnh gia đình chị Vân bi đát, ước mơ thành công từ những tác phẩm tranh vẽ bằng miệng của Giúp rất cần sự nâng đỡ từ các nhà chuyên môn hội họa, nhà hảo tâm để em sớm trưởng thành, vượt khó khăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG