Chợ dương giữa cõi âm

Quán nước sát những ngôi mộ
Quán nước sát những ngôi mộ
TP - Chợ dương được họp đã lâu tại Nghĩa trang Yên Kỳ (xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Nếu như trước đây, người dân địa phương chỉ bán hàng nước, hoa quả, vàng mã thì nay bán cả thực phẩm tươi sống.

> Sôi động bất động sản cho người âm

Dù thời gian này đường vào nghĩa trang Yên Kỳ nhầy nhụa bùn đất do đang trong thời gian thi công, song nhiều người vẫn nườm nượp đi tảo mộ tại nghĩa trang lớn nhất Hà Nội này.

Chợ dương nằm cách cổng nghĩa trang khoảng 30m tại một khu đất rộng, đồng thời lan dọc hai bên đường dẫn vào các ngôi mộ.

Tại đây, bày bán đủ thứ, từ nông sản, vật nuôi đến các loại thực phẩm tươi sống. Sau khi tảo mộ, một số người tranh thủ dạo quanh chợ mua các sản vật nơi đây về làm quà.

Vì thế mà khu chợ phục vụ cho người sống được hình thành ngay tại nghĩa trang mà vẫn tấp nập. Nhiều người còn cảm thấy bình thường khi ăn uống, mua bán hàng hóa mà quên rằng đây là nơi dành cho người đã khuất.

Những người bán hàng tại chợ là nông dân ở một số thôn thuộc xã Phú Sơn và các xã lân cận. Đồ nghề của họ là những đôi quang gánh, những chiếc sọt chở hàng, những tấm bạt, bao tải đặt tạm xuống đất để bày hàng hóa.

Có những gia đình chở thịt bò, dê, lợn đến đây bày bán để phục vụ khách. Có người còn bày bán thịt gần những ngôi mộ.

Một phụ nữ quê ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì) phụ giúp chồng bán hàng, cho biết: “Chúng tôi sống được là nhờ một số người thích mua các loại thịt tươi sống về ăn hoặc làm quà. Có khách quen còn gọi điện trước để đặt mua. Vào ngày cuối tuần, tôi bán được một con bê/ngày, nhờ đó có thêm thu nhập”. Một người bán hàng khác cho biết: “Bây giờ ruộng ít, không bán hàng thêm lấy gì chi tiêu và nuôi con ăn học”.

Dọc hai bên đường trong nghĩa trang có hàng chục hàng quán căng phông bạt, đây là nơi nghỉ trưa và ăn uống cho khách sau khi thăm viếng mộ người thân. Bà Loan (thôn Yên Kỳ, Phú Sơn), chủ quán nước cho biết: “Nhà tôi có 5 khẩu, hiện chỉ có 3 sào ruộng, đất đồi dành cho làm nghĩa trang, bây giờ chỉ trông vào hàng nước này để có thêm thu nhập”.

Tại đây, có những hộ bán hàng nước hơn 20 năm nay, các hộ này thường kiêm tất cả các dịch vụ như cho thuê chiếu ngồi, lau chùi, dọn dẹp, ốp lát mộ…

Một phụ nữ bán hàng khác cho rằng: “Giá cả mọi thứ ở đây đều rất hợp lý. Khách nghỉ ngơi ở đây từ sáng đến chiều chỉ mất 10.000 đồng/chiếu. Tôi đi lễ chùa, tham quan, có nơi họ bắt chẹt tới 50-60 nghìn đồng/chiếu”.

Mỗi quán nước ở đây thường có 4-5 chiếc chiếu trải ra để phục vụ khách. Một số gia đình sau khi tảo mộ xong đã thuê chiếu để cùng thụ lộc.

Tuy nhiên, có gia đình chưa kịp ngồi ấm chỗ đã phải rời đi vì có người nhà không thể nuốt nổi đồ ăn giữa cõi âm này.

Ông Phùng Văn Vinh – Trưởng trang Nghĩa trang Yên Kỳ cho biết: Quy định của nghĩa trang là không cho bán hàng, nhưng một mình chúng tôi không thể ngăn cấm được nên phải phối hợp với địa phương để giữ trật tự.

Những người bán thực phẩm cũng chỉ tập trung chủ yếu tại đây vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, còn ngày thường họ lại ra các chợ địa phương để bán.

Đối với những hộ bán hàng nước, chiều tối chúng tôi yêu cầu phải dỡ bạt, bàn ghế, không được để lại bất cứ thứ gì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG