Vì sao cần xử lý hình sự cả với pháp nhân?

Vì sao cần xử lý hình sự cả với pháp nhân?
TP - Theo GS.TSKH Lê Cảm - Trưởng bộ môn Tư pháp hình sự (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những nội dung quan trọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự lần này là xem xét vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự cả với pháp nhân.

> Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Lâu nay, Việt Nam chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân, nhưng nay lại rộ lên đề nghị xử lý hình sự với cả pháp nhân, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo tôi đã đến lúc cần thiết xem xét vấn đề này. Trên thế giới, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về bảo vệ môi trường họp ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 1992, đã kiến nghị các nước cần truy cứu trách nhiệm hình sự của cả pháp nhân đối với tội phạm về môi trường.

Hiện nay Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác đã có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Thực ra vào năm 1999, trên tạp chí chuyên ngành luật có bài viết của PGS - TS Phạm Hồng Hải, hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đặt vấn đề “Pháp nhân có phải là chủ thể của tội phạm hay không?”.

Theo đó, PGS Phạm Hồng Hải nêu trường hợp cụ thể là HĐND,UBND, thường trực Đảng ủy một xã của Hà Nội thời điểm đó đã ra nghị quyết về việc chia chác đất đai trái phép. Sau đó có khởi tố vụ án, nhưng cơ quan chức năng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự một số nhân vật trong ban lãnh đạo xã đó.

PGS Phạm Hồng Hải đặt vấn đề trong vụ việc này, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của cả ban lãnh đạo đó- tức pháp nhân vì họ đã ra nghị quyết tập thể trái pháp luật.

Trong pháp luật hình sự, vấn đề quan trọng là phải xác định được yếu tố lỗi. Pháp luật hành chính, dân sự, xây dựng, môi trường đã truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với cơ quan, tổ chức, tức pháp nhân vi phạm, còn riêng đối với pháp luật hình sự thì chưa.

Với tư cách là thành viên của Ban Biên tập Ban soạn thảo sửa đổi Bộ luật hình sự hiện hành, tôi cho rằng đã đến lúc chín muồi để pháp luật hình sự Việt Nam có chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Vì sao được coi là chín muồi thưa ông?

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vi phạm hành chính, môi trường bị xử phạt nhưng sau đó họ vẫn vi phạm đó thôi, đơn giản vì xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe.

Khi một doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, họ có thể đã tính toán để cân nhắc thiệt hơn giữa chuyện nếu bị phát hiện và bị xử phạt so với việc phải bỏ rất nhiều tiền ra đầu tư cho thiết bị xử lý nước thải.

Tức là họ quan niệm thà bị xử phạt vẫn “lãi” hơn là bỏ tiền ra đầu tư thiết bị an toàn cho môi trường. Điều này là rất đáng lưu ý.

Rất nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng xử lý dân sự rõ ràng chưa đủ để buộc các doanh nghiệp đó phải thực hiện nghiêm quy định đóng bảo hiểm cho người lao động.

Chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng những quan hệ có tính chất an sinh xã hội cao, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe cho con người thì buộc phải có những chế tài nghiêm khắc để xử lý, nhất là trong tình hình hiện nay.

Vì vậy sửa đổi Bộ Luật hình sự Việt Nam lần này cần có những phương án rất chi tiết đối với vấn đề trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì chế tài áp dụng với pháp nhân cũng hạn chế, và thực tế không thể bỏ tù pháp nhân được. Vậy nếu thế thì có gì khác so với quy định hiện nay đâu?

Đúng là không thể áp dụng được mọi chế tài, tức không thể bắt giam, phạt tù hay xử bắn pháp nhân được. Tuy nhiên, dễ thấy rằng khi một pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đây là sự lên án mạnh mẽ và nghiêm khắc nhất mà xã hội dành cho pháp nhân đó.

Trong áp dụng chế tài, kể cả chế tài phạt tiền trong pháp luật hình sự đương nhiên sẽ phải cao hơn xử phạt hành chính với mức hiện nay tối đa 2 tỷ đồng.

Khi xây dựng chế tài với pháp nhân, những loại chế tài như giải thể, đình chỉ hoạt động tùy theo đặc thù pháp nhân có thể là những biện pháp mạnh buộc pháp nhân phải chùn tay trước khi vi phạm.

Nếu một pháp nhân bị xử lý hình sự thì trách nhiệm của mỗi cá nhân trong pháp nhân đó có bị giảm nhẹ?

Không. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân trong pháp nhân đó nếu chứng minh được hành vi phạm tội.

Một nghị quyết của Hội đồng quản trị được coi là trái pháp luật, bị pháp luật hình sự cấm thì đồng thời với việc xử lý hình sự của pháp nhân, những cá nhân trong Hội đồng quản trị vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Cảm ơn ông!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).