'Chết khát' bên sông Ba

'Chết khát' bên sông Ba
TP - Sông Ba bắt nguồn từ Trường Sơn chảy dài gần 400 km, từ Kon Tum qua Gia Lai đổ về Biển Đông ở Phú Yên (sông Đà Rằng). Năm năm trở lại đây cùng với việc các nhà máy công nghiệp xả nước thải xuống sông, thủy điện An Khê-Ka Nak chuyển dòng, cư dân ven sông Ba đang… khát nước.
Bể nước cấp cho thị trấn Kông Chro, song dân không dám dùng
Bể nước cấp cho thị trấn Kông Chro, song dân không dám dùng.

Trong các đô thị dọc sông Ba, thị trấn Ka Nak-huyện Kbang, Gia Lai đô thị đầu nguồn ít chịu tác động từ các chất thải đổ xuống sông này và hệ lụy từ việc chuyển dòng chảy do đập thủy điện.

Các đô thị còn lại như thị xã An Khê, thị trấn Kbang, thị trấn Ia Pa, thị xã Ayunpa, thị trấn Phú Túc-Krông Pa (Gia Lai)…đều chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong việc sử dụng nguồn nước sông này.

Ngoài việc không lấy nước từ dòng sông để sinh hoạt, đời sống người dân bị ảnh hưởng, bởi dòng sông mùa cạn hôi thối mùa mưa bùn đất đỏ ngầu.

Quán cà phê Sông Ba, nằm ngay bên cầu sông Ba ở thị xã An Khê, trước đây là điểm hẹn lý tưởng của dân vùng này. Từ khi dòng sông Ba bốc mùi hôi thối nồng nặc, khách hàng chẳng ai dám ghé quán.

Bà Nguyễn Thị Thùy Loan, chủ quán cà phê Sông Ba than thở: “Hồi trước, quán tôi đông khách lắm, nhưng bây giờ không có khách. Chắc tôi phải đóng cửa quán”. Hầu hết các quán ăn, giải khát ở gần sông Ba đều chịu cảnh tương tự và đành phải đóng cửa.

Mùa khô đi qua cầu Sông Ba trên quốc lộ 19 đoạn qua thị xã An Khê, mọi người đều phải bịt mũi. Dòng sông trơ đáy, nước đen kinh tởm. Hàng loạt nhà máy ở thị xã này như Nhà máy đường An Khê, Nhà máy MDF, Nhà máy sắn VEYU… cùng với hàng chục ngàn dân đều thải trực tiếp xuống sông Ba.

Trước đây, nước sông nhiều, nước đẩy sự ô uế về xuôi, song từ khi thủy điện An Khê -Ka Nak chặn dòng đưa nước về Bình Định, lưu lượng nước còn lại không đảm bảo theo quy định 4m3/s nên sông Ba bị bức tử.

Nước sinh hoạt cho người dân cũng đang khiến người sống trong vùng đau đầu. Ngoài thị xã An Khê bị ảnh hưởng trực tiếp, phía hạ lưu là thị trấn Kông Chro, Ia Pa người dân rất bức xúc.

Anh Nguyễn Đăng Gia nhà ở thị trấn Kông Chro cho biết: Đất ở thị trấn này đào giếng không được do đá vôi, người dân chỉ trông chờ vào nước sông Ba. Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng nước ô nhiễm nghiêm trọng, mùa khô nước kiệt hôi hám, mùa mưa đỏ ngầu bùn đất. Các mỏ sắt ở phía thượng lưu thải ra sông biết bao nhiêu hóa chất tuyển quặng xuống khiến dân không khỏi lo âu.

Gia đình anh Gia cũng như nhiều người dân thị trấn khác buộc phải xây thêm bể nước mưa để trữ nước ăn uống. Nước sông Ba do nhà máy nước thị trấn cung cấp chỉ làm nước tắm rửa, sinh hoạt.

Trước những bức xúc của dân, UBND tỉnh Gia Lai, Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai và chính quyền nhiều địa phương nơi dòng sông đi qua đã có nhiều buổi làm việc với cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề này. Song để sông Ba sống lại như …xưa là việc nan giải.

Lợi ích của việc đầu tư Thủy điện An Khê-Ka Nak nhiều nghìn tỷ đồng nếu không phát huy tối đa nguồn nước phát điện để thua lỗ ai chịu? Rừng đầu nguồn mất dần, lưu lượng nước theo đó vơi dần. Áp lực dân cư các đô thị tăng lên…Đây quả là bài toán khó đối với các đô thị dọc sông Ba.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.