Sưởi ấm Tương Dương

Sưởi ấm Tương Dương
TP - Sáng 4-11 báo Tiền Phong phối hợp với Vietinbank chi nhánh Nhị Chiểu tỉnh Hải Dương, Tỉnh Đoàn, Đài PTTH Nghệ An và UBND huyện Tương Dương trao tặng quà trị giá gần 100 triệu đồng cho các em học sinh xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An).

> Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối

Vượt chặng đường 500km, chị Lê Thị Xuân, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhị Chiểu tỉnh Hải Dương nói: “Sau khi đọc bài “Thương lắm, Tương Dương” đăng trên báo Tiền Phong ngày 13-10, tôi photo bài báo này cho anh chị em trong cơ quan đọc.

Nhiều chi tiết trong bài báo có sức lay động, khơi gợi sự hướng thiện, sẻ chia đối với các em học sinh nghèo ở xã Tam Hợp!”.

Vietinbank Nhị Chiểu tỉnh Hải Dương phát động đợt quyên góp toàn cơ quan, huy động được 60 triệu đồng ủng hộ học sinh Tam Hợp. Ngày 3-11, mười cán bộ, nhân viên do chị Lê Thị Xuân dẫn đầu rời Hải Dương vào Nghệ An.

Báo Tiền Phong trích từ quỹ hoạt động xã hội hỗ trợ Trường PTCS Tam Hợp 30 triệu đồng. Chị Đặng Thị Hiển (trú tại xóm 19, xã Nghi Phú ) ủng hộ 6 triệu đồng.

Với gần 100 triệu đồng quyên góp được, các nhà hảo tâm mua 30 chiếc giường đôi, 140 chiếc chăn, 60 chiếc màn, 100 chiếc gối, hàng chục thùng mì tôm cùng một số giấy bút tặng học sinh Tam Hợp.

“Với tinh thần lá lành đùm lá rách, hy vọng sự giúp đỡ của bạn đọc báo Tiền Phong sẽ tiếp sức cho các em học sinh nghèo vượt qua khó khăn”, Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn nói.

Trên hành trình đi tìm con chữ, nhiều học sinh bản làng vùng sâu vùng xa huyện Tương Dương phải tự dựng lều, lán để ở trọ. Gần đây, Tỉnh Đoàn Nghệ An phối hợp với UBND huyện Tương Dương xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh.

“Khổ nỗi, có nhà che mưa trú nắng, lại thiếu giường, thiếu chăn ấm!”, Chủ tịch huyện Nguyễn Hồ Cảnh cho biết. Theo đề xuất của huyện Tương Dương, báo Tiền Phong và Vietinbank Nhị Chiểu tỉnh Hải Dương dành gần 60 triệu đồng mua giường cho các em học sinh Tam Hợp.

Chiều ngày 4-11, học sinh bán trú đã có giường mới, không còn phải nằm trên tấm liếp bằng gỗ. 140 chiếc chăn ấm cũng phần nào xua đi lạnh giá miền biên viễn, sưởi ấm cho các em khi Đông về.

“Nghĩa cử của báo Tiền Phong và các nhà hảo tâm thật đáng trân trọng. Tới đây, Đài PTTH Nghệ An sẽ phối hợp với báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn phát động, tổ chức thêm nhiều hoạt động từ thiện hướng về đồng bào nghèo miền Tây xứ Nghệ!”, GĐ Đài PTTH Nghệ An Trần Duy Ngoãn nói.

Trước sự quan tâm, đồng hành của báo Tiền Phong và độc giả, sân trường Tam Hợp nô nức tiếng cười, tiếng nói của thầy cô, phụ huynh học sinh, các già làng, trưởng bản. Các em chọn bộ đồ học sinh đẹp nhất, tề tựu sân trường vui như ngày khai giảng.

Một bữa cơm của học sinh ở Tam Hợp
Một bữa cơm của học sinh ở Tam Hợp.

Em Lương Viết Quang, học sinh lớp 3A (Trường Tiểu học Tam Hợp,trú bản Xốp Nặm) nói: “Nhà cháu rất nghèo, cơm không no, mùa lạnh không có áo ấm mặc, đêm nằm ngủ không có chăn đắp… Hôm nay cháu và các bạn đã được tặng chăn ấm và cả mì tôm ăn nữa. Chưa bao giờ chúng cháu được tặng nhiều quà như thế!”.

Em Xồng Y Xía (học sinh lớp 8, người dân tộc Mông, ở bản Phà Lõm) kể: “Chúng cháu ở hơn 10 bạn cùng phòng, nhà ở xa nên phải trú lại ở trường. Lâu nay phải dựng lều tranh tre nứa lá bên khe suối, nay không những được ở nhà bán trú mà còn được nằm trên giường đẹp, đắp chăn ấm. Có được như thế này chúng cháu quyết tâm chăm học để sau này về giúp bản làng”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Hợp tâm sự, hiện trên địa bàn xã biên giới này có gần 150 cháu học sinh mầm non, nhưng phải chia làm 5 cơ sở ở 5 bản làng khác nhau.

Hầu hết các cháu học sinh mầm non đều là con em dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và một ít người Kinh.

Điều kiện ăn, ở, đi lại của giáo viên học sinh vô cùng khó khăn. Vì hầu hết các cháu mầm non phụ thuộc vào bố mẹ, mà bố mẹ các cháu hằng ngày phải lên nương, lên rẫy nên thường họ mang theo cả con đi cùng.

Gần đây, các cô giáo và chính quyền địa phương vận động nhiều nên phụ huynh mới cho các cháu đến trường. Vì chưa có kinh phí nên hiện trên địa bàn xã Tam Hợp còn 2 bản là Phà Lõm và Huồi Sơn (có khoảng 50 cháu) là chưa có điểm trường mầm non để đi học.

Cô Hà còn lo âu, cái ấm đã có, tuy nhiên cái ăn cho các cháu còn cả một vấn đề. Hầu hết các cháu mầm non ở xã Tam Hợp đều rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều khi vì thương học trò mà các cô giáo phải bớt lương của mình để mua lương thực, thực phẩm về nấu cháo cho các cháu ăn chống đói.

Chủ tịch huyện bật khóc

Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương bật khóc khi nhắc đến bài báo “Thương lắm, Tương Dương” của PV Quang Long trên báo Tiền Phong. Ông nói: “Cám ơn báo Tiền Phong, Đài PTTH Nghệ An, Vietinbank Nhị Chiểu tỉnh Hải Dương và các nhà hảo tâm đã bằng cả tấm lòng quan tâm, vượt hàng trăm cây số đường rừng đến với các giáo viên, học sinh Tam Hợp!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG