Tận diệt thú rừng

Tận diệt thú rừng
TP - Tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tình trạng săn bắt thú rừng khá phức tạp. Thú rừng bị cấm săn bắt tiếp tục bị đưa lên bàn nhậu.

> Phạt hơn 500 triệu đồng với hai cá nhân vận chuyển thú rừng

Làm thịt thú rừng trong bếp một nhà hàng
Làm thịt thú rừng trong bếp một nhà hàng.

Vấn nạn súng săn

Tại Bản Tưn của xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, một gia đình giới thiệu cho chúng tôi một con khỉ gió đang leo trèo đến chóng mặt trong cái lồng chim chật chội.

Gia chủ cho biết: “Nó vừa sinh con xong, có mua thì bán cho để đem về nuôi và thịt đều được. Còn nếu muốn ăn cầy hương hay dúi thì ở Bản Tưn hoặc Bản Ó đều có”.

Ông Tạc, một thợ săn lão làng ở bản Tưn chẳng nhớ đã hạ bao nhiêu con thú. Trong danh sách của ông có lợn rừng, hoẵng rồi cả loài voọc đen má trắng (tiếng Tày gọi là Tua Càng) mà hiện nay đang tìm cách bảo tồn trước khi tuyệt chủng...

Ông Tạc cho biết: Từ khi có chủ trương thu súng của tỉnh, nhiều gia đình ở đây vẫn giấu chúng trong nhà hoặc cất ở nơi khác chờ thời cơ đem sử dụng.

Trong vai một lái buôn muốn kiếm món “đặc sản rừng” mang về xuôi kiếm lời, chúng tôi tiếp cận được với Hoằng, một “tay súng” có tiếng là sát thủ khu vực vườn quốc gia Ba Bể.

Hoằng cho biết, để tránh cơ quan chức năng phát hiện, súng đạn phải cất giấu trong rừng, hằng ngày vào đó chỉ đi người không.

Trong danh sách các loại thú bỏ mạng trước họng súng của Hoằng khá đa dạng như lợn rừng, hoẵng, hươu, khỉ, cầy hương, hon, lửng... Hoằng cho biết, giá cầy hương, lợn rừng bán buôn cho nhà hàng cũng được 400.000đ/kg, các loại khác thì cao hơn.

Một con khỉ con của một thợ săn xã Xuân Lạc
Một con khỉ con của một thợ săn xã Xuân Lạc.

Hoằng còn cho biết nếu bắn bị thương mà bắt được các loại như khỉ, voọc còn sống thì coi như trúng quả vì bán rất được giá. Khi được hỏi: “Hiện có hàng không?”, H lắc đầu và mách cho địa chỉ lái buôn tên Quyền ở Chợ Đồn.

Tìm đến nhà Quyền, tôi không khỏi ngỡ ngàng với dinh cơ hoành tráng được gây dựng nên nhờ buôn bán các loại đặc sản rừng.

Trong chiếc tủ bảo ôn nhà Quyền, thấy đa dạng các loại thú rừng tương tự như thành quả mà thợ săn Hoằng đã hạ được. Hầu hết loại hàng này được chuyển về xuôi vì dân trên này làm gì có tiền ăn những thứ xa xỉ như vậy”-Quyền nói.

Khi được hỏi: “Có biết các quy định về nghiêm cấm săn bắn động vật quý hiếm không?”- những tay súng ở đây đều biết rõ, nhưng họ vẫn đổ lỗi vì ruộng ít, cuộc sống nghèo khó và đi săn quen rồi không bỏ được.

Đưa lên bàn nhậu

Đến địa phận thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông), muốn thưởng thức các món đặc sản thú rừng không khó. Từ món thịt hươu, cầy, các loại rắn, chim, ong… đều được nhà hàng đáp ứng nếu thực khách có nhu cầu.

Ghé vào một nhà hàng có gắn biển giữa trung tâm thị trấn, thấy trước cửa treo hàng chục lồng với đầy đủ các chủng loại chim cảnh như cu gáy, yểng, chích choè, khiếu… với những tiếng hót rộn ràng.

Trước cửa nhà hàng còn bày la liệt hàng chục tổ ong mật, ong bò vẽ có đường kính rộng chừng nửa mét. Ông chủ nhà hàng nhanh nhẹn giới thiệu cho khách các mặt hàng với giá không “mềm” chút nào.

Khi tiếp thị xong các loại hàng ở gian ngoài, ông đưa chúng tôi vào bếp, mở tủ lạnh bưng ra một rổ lớn và giới thiệu đó là thịt cầy, hươu, lợn rừng, chuột rừng. Vào gian chế biến món ăn, thấy đầu bếp đang thui một con cầy to để phục vụ thực khách.

Nhằm đáp ứng cả “thực” và “ẩm”, ông chủ nhà hàng cũng tiếp thị luôn nhiều bình rượu từ 5 đến 10 lít ngâm động vật.

Theo giới thiệu, những bình rượu đen ngòm kia có “cốt” là chân hươu, ong các loại, rắn đủ bộ, sáp ong, bìm bịp, tắc kè… Ông rỉ tai tôi: “Uống cái này vào về nhà với vợ thì miễn chê ngay”.

Khi được hỏi về nguồn gốc các mặt hàng, ông chủ cho biết mua của những thợ săn địa phương, nên đều là hàng thứ thiệt.

Thấy khách phàn nàn về giá cả, ông chủ nhà hàng không ngần ngại giới thiệu các nhà hàng có treo biển lẫn không có biển quanh đây và nói: “Ở đây giá cả chung rồi, các chú cứ đến mà tham khảo”.

Qua quan sát, chúng tôi hiểu vì sao tại thị trấn nhỏ miền núi này lại nhiều nhà hàng như vậy. Ngã ba Phủ Thông nằm dọc quốc lộ 3, nơi thông thương các tỉnh phía miền núi Bắc với miền xuôi.

Thị trấn nhỏ này rất tiện khi là tâm điểm về địa lý giữa Bạch Thông và các huyện “giàu” thú rừng là Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rỳ, Pác Nặm của tỉnh Bắc Kạn.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG