Những 'bộ lạc' giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Những 'bộ lạc' giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
TP - Không ít người dân phải bỏ làng tái định cư ở huyện Thanh Chương để quay về sinh sống rải rác trong lòng hồ, lập nên bản làng mới giống như những bộ lạc trên địa bàn xã Hữu Khuông (huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An).

> Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối
> Thủy điện xả nước, dân lòng hồ không có đường đi

Ảnh: 1,2,3: Xóm tự phát trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Hữu Khuông, Tương Dương Ảnh: P.V
Ảnh: 1,2,3: Xóm tự phát trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Hữu Khuông, Tương Dương Ảnh: P.V.

Trên chiếc thuyền máy có công suất cao, Vi Văn Lộc (người dân tộc Thái) đưa chúng tôi ngược lòng hồ trong nơm nớp lo sợ, vì lòng hồ Thủy điện bản Vẽ mùa này đã biến thành thung lũng nước mênh mông.

Bình yên thì chớ, chỉ cần gặp trận lốc xoáy nhỏ hoặc gió mùa thôi cũng đủ để thổi lật chiếc thuyền máy tròng trành này.

Một cán bộ huyện Tương Dương cho biết, để phục vụ xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ, công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đặc biệt là công tác di dân ra khỏi lòng hồ là một nỗ lực lớn của chính quyền địa phương huyện Tương Dương cũng như tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, sau thắng lợi của cuộc đại di dân này thì hàng nghìn người dân về vùng tái định cư gặp phải không ít khó khăn. Loay hoay hơn 6 năm trời, nhiều hộ dân vẫn chưa có đất để sản xuất, hoặc có thì cũng chỉ là đất khô cằn, không sản xuất được.

Cuộc sống của đồng bào vốn quen với tập quán tự do, trỉa hạt trên nương rẫy, rồi săn bắn, hái lượm trong rừng.

Về khu tái định cư ở Thanh Chương hoàn toàn khác lạ với cuộc sống ban đầu nên rất khó nắm bắt tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Thủy điện ra đời, một số xã đã bị xóa tên: Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương nhưng hiện rất nhiều hộ dân từ vùng tái định cư thuộc các xã Thanh Hương, Ngọc Lâm, Thanh Sơn của huyện Thanh Chương tự phát quay lại sinh sống kiểu tự cấp tự túc như mấy chục năm trước trong lòng hồ.

Nhiều ngôi nhà tranh tre, nứa lá, lán trại dần mọc lên bên sười núi. Điện, nước sinh hoạt không có, chợ búa cũng không… thế nên họ đang trở thành những hộ dân vô gia cư nơi núi rừng thâm cung cùng cốc.

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nói, việc bà con quay về vùng lòng hồ để sinh sống, sản xuất, lỗi này không phải của huyện Tương Dương, trước đây đưa bà con di cư ra vùng tái định cư UBND huyện và tỉnh Nghệ An đã làm rất tốt. Việc bà con bỏ bản mới quay về là do nơi ở mới gặp nhiều khó khăn.

Ông Vi Văn Quyết, một người dân trước đây ở xã Hữu Dương về tái định cư ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) kể: Khi gia đình còn sống trong khe, muốn ăn con cá xuống sông Nậm Nơn bắt, muốn có gạo lên nương, lên rẫy sản xuất, muốn ăn thịt thì có gà, vịt, lợn trong nhà.

Khi về vùng tái định cư không biết làm gì để sống, đất đai không có. Thay vì nhà sàn thoáng mát của bản làng nằm quần cư bên suối thì nhà cửa xây chật chội san sát, lại còn nằm chơ vơ giữa đồi dốc, mùa nắng thì nóng như thiêu như đốt, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt.

Mọi điều kiện sinh hoạt đều khó khăn, nhà xây chưa được 5 năm thì nay đã xuống cấp, hàng trăm bể nước sinh hoạt hoang phế.

Vì không trụ được với cái đói, cái khổ ở làng tái định cư, ông Quyết đã cùng gia đình bỏ hoang nhà cửa để cõng nhau về lòng hồ thủy điện sinh sống.

Dù biết về lại lòng hồ sinh sống là di cư trái phép nhưng ông Quyết và gia đình cũng không còn cách nào khác.

Những 'bộ lạc' giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ảnh 2

Chị Kha Thị Lan, một người dân về tái định cư ở bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm tâm sự, tại bản này có 17 ngôi nhà xây bị bỏ hoang suốt 6 năm nay, vì nhà xây không phù hợp với không gian sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái nên bà con phải tự bỏ tiền ra làm lán trại dưới thấp để ở.

Thêm vào đó công ăn việc làm không có nên hơn chín mươi phần trăm hộ dân nơi đây đều rơi vào cảnh thiếu đói. Đến nay, bà con bản Kim Hồng có gần 70 hộ dân lũ lượt kéo nhau quay về quê cũ để sản xuất.

Một số bà con chia sẻ, dù khổ thế nào đi chăng nữa thì quay về sống “chui” trong lòng hồ vẫn sướng gấp nghìn lần ở vùng tái định cư của huyện Thanh Chương.

Ông Chương Xuân Tần, nguyên trưởng bản Kim Hồng cho biết thêm, trước đây gia đình ông cũng như bao gia đình khác đã di dời về vùng tái định cư, sau khi thấy một số bà con bỏ nhà cửa quay về lòng hồ sinh sống, đích thân ông Tần đã nhiều lần đi vận động bà con quay lại khu tái định cư.

Thế nhưng sau nhiều lần khăn gói đường xa vào tận nương rẫy, rừng sâu, cuối cùng không thuyết phục được ai.

Ông Tần xin “từ chức trưởng bản” để rồi cũng dọn đồ đạc, bỏ mái nhà nơi khu tái định cư để về lại với núi rừng Tương Dương tìm lại cuộc sống thuở xưa.

Một số bản làng giờ chỉ còn lại toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Vì hầu hết phải quay về núi để tìm kế sinh nhai như săn bắn, hái lượm, lên nương trỉa hạt, chăn nuôi, đánh bắt cá trong lòng hồ thủy điện.

Xuống núi rồi lại lên non

Lặng lẽ ly hương, rồi lại lầm lũi quay về. Ngược sâu vào lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, trên bờ rải rác những lán trại, lều chòi, nhà lá đơn sơ được mọc lên nơi lưng chừng núi.

Còn dưới mặt hồ thi thoảng xuất hiện một khóm chụm lại từ 3 đến 5 bè lá được bà con dựng lên để ở. Hầu hết trong số này là những hộ dân từng sống trong lòng hồ sau khi di cư về Thanh Chương đã quay lại.

Những 'bộ lạc' giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ảnh 3

Ông Vi Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết, không thể gọi là bản, bởi chẳng có tên gọi gì hết, với lại không hề được phép tổ chức mà hoàn toàn tự phát.

Bà con ồ ạt về lại vùng lòng hồ thấy chỗ nào có đất, có khe suối chảy ra là dựng lán, làm bè để ở mà bất chấp hiểm nguy luôn rình rập hay sự ngăn cấm của chính quyền sở tại. Cuộc sống của bà con nơi bản mới ở Thanh Chương gặp quá nhiều khó khăn.

Ngược lòng hồ thủy điện, bà con tìm đến nơi cao hơn, lùi sâu vào các khe suối hoặc rừng sâu để phát nương làm rẫy.

Anh Lô Văn Kím, Bí thư Chi đoàn bản Kim Hồng xã Ngọc Lâm, Thanh Chương nói, ra vùng tái định cư được 3 năm nhưng anh mới duy nhất đi trồng sắn được một lần. Kím đã đưa vợ con trở lại lòng hồ, tự tay cất lên cái lán tuềnh toàng.

Anh Kím cho hay, đã khó lại càng khó hơn, mới rồi trâu, bò của bà con vào lòng hồ chăn thả bị dịch bệnh chết hàng loạt. Nguyên nhân cũng do khí hậu khắc nghiệt, chuồng trại không có, thuốc thang phòng bệnh cũng không.

Anh Lô Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) cho biết, sau khi bà con trong lòng hồ di dời ra vùng tái định cư, số diện tích rừng núi còn lại của các xã Hữu Dương, Kim Đa, Kim Tiến đều được bàn giao cho xã Hữu Khuông quản lý.

Vài năm gần đây bà con ở khu tái định cư Thanh Chương kéo nhau về lại lòng hồ sinh sống rất đông đã xâm canh trái phép. Khi bố mẹ bỏ nhà tái định cư quay về lòng hồ, con em của họ cũng phải về theo nên đã xẩy ra tình trạng con em đồng bào bị thất học rất nhiều.

Nhiều lần UBND xã Hữu Khuông kết hợp cán bộ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đi vận động bà con trở lại vùng tái định cư để con em họ được đi học nhưng càng ngày số hộ dân di cư tự phát trở về bản cũ càng đông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG