Tây Nguyên khô hạn: Chặn sông cứu lúa

Tây Nguyên khô hạn: Chặn sông cứu lúa
TP - Xưa nay, cứ từ tháng cuối năm này đến khoảng giữa năm sau, Tây Nguyên lại bước vào thời kỳ khô khát, khô từ sông suối cho tới tận các túi nước ngầm nằm sâu trong lòng đất. Đắk Nông và Đắk Lắk là 2 tỉnh nóng nhất chuyện khát nước mùa khô.

> Phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước
> Khô hạn giữa mùa lụt

Buôn Ma Thuột: Nước sạch nửa ngày có, hai ngày cúp

Theo số liệu của phòng Kỹ thuật của Cty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, tháng 2-2013, tỉ lệ nước sạch cung cấp cho khách hàng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đáp ứng 65%-78% nhu cầu sử dụng của người dân.

Nguồn nước ngầm cạn kiệt, thiếu khoảng 15.000m3/ ngày, nhà máy phân phối nước về các khu dân cư theo lịch nửa ngày có hai ngày cúp, khiến dân tình nhốn nháo, chuyện dân tìm chỗ tắm giặt nhờ trở nên thời sự nóng khắp các phố trung tâm.

Buôn Ma Thuột là đô thị thiếu nước sạch mùa khô gay gắt nhất trên Tây Nguyên. Các phố núi lân cận như Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nhà máy nước công suất 65.000m3 nhưng mới tiêu thụ hết 45.000m3/ngày; Plei Ku (tỉnh Gia Lai) ngoài nhà máy đã khai thác trọn công suất 20.000m3/ ngày còn có thêm nguồn nước mặt khá ổn định từ Biển Hồ; Kon Tum (tỉnh Kon Tum) mới tiêu thụ hết 7.000m3/ ngày đêm trên tổng công suất nhà máy12.000m3.

Riêng thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) có 3,5 vạn dân thì 3 vạn dân sử dụng hết công suất 2.500m3 nước máy, 5.000 dân còn lại dùng nước giếng khá ổn định trong khi chờ khánh thành hệ thống cấp nước mới công suất 12.000m3 đang xây dựng.

Năm 2002, hệ thống khai thác nước ngầm 49.000m3/ ngày đêm trị giá 271 tỷ đồng phần lớn do Đan Mạch tài trợ đi vào vận hành, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk phấn khởi cho rằng, đô thị trung tâm tỉnh từ nay không còn ca bài thiếu nước.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, các túi nước ngầm vùng Đông Bắc có thể khai thác được đều đã cạn nhanh hơn dự kiến, hiện vét hết chỉ được 36.000m3/ ngày. Các chuyên gia về nước mòn gót khảo sát về phía Tây Nam chỉ gặp địa tầng toàn đá, không tìm được thêm túi nước lớn nào.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Cty TNHH MTV Cấp nước & ĐTXD Đắk Lắk cho biết: Cách khắc phục nạn thiếu nước sạch trên thủ phủ cà phê đã được cân nhắc theo hướng khai thác nước mặt từ các hồ đập lớn.

Hai kế sách đã được lựa chọn, là: Tạm thời, lấy nước từ hồ Ea Cư Káp cách Buôn Ma Thuột 7km nhưng chỉ cần lắp thêm 30m đường ống đấu nối vào hệ thống cấp nước có sẵn, sẽ triển khai đầu tháng 3-2013, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, bổ sung được 5.000m3 nước mỗi ngày từ đầu mùa khô năm sau.

Lâu dài, là phương án vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 30 triệu USD xây dựng hệ thống lọc và dẫn nước hơn 22 km từ thượng nguồn thủy điện Buôn Kuốp trên sông Sêrêpôk về cho vùng dân cư phía Tây thành phố. Mọi thủ tục đã được lãnh đạo tỉnh triển khai đầy đủ với các bên liên quan.

Cứu lúa

Từ sáng sớm đến chiều 19-2, hàng trăm người dân xã Quảng Phú hì hục khuân đất, vác đá chặn dòng sông Krông Nô để lấy nước vào trạm bơm cứu lúa.

Mấy tháng nay, nước sông Krông Nô, một trong 2 nhánh lớn của sông Sêrêpôk hạ thấp chỉ còn vài dòng nhỏ chảy len lỏi qua những khe đá hẹp, thậm chí có thể băng từ bờ này sang bờ kia bằng cách bước trên đá mà không sợ ướt giày.

Trạm bơm D12- Buôn Sưk của Hợp tác xã thủy nông Quảng Phú (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đăk Nông) phục vụ tưới cho 84ha lúa và 30ha cà phê của dân, do thiếu nước phải ngừng bơm khiến cánh đồng lúa đang trong thời kì đẻ nhánh, cà phê đang trổ hoa héo rũ, có nguy cơ mất trắng.

Trước tình hình đó, UBND xã Quảng Phú và Hợp tác xã D12-Buôn Sưk đứng ra vận động người dân ngăn sông lấy nước. Mỗi người dân góp 5 bao tải để đựng đất đá và 50 ngàn đồng để mua dây buộc, thép B40.

Dưới cái nắng như đổ lửa, hàng trăm người dân vật lộn dưới lòng sông bê đá, xúc đất để dựng một con đê dự kiến dài khoảng 150m, cao gần 2m chắn ngang sông nhằm thu tất cả lượng nước ít ỏi dồn cho trạm bơm hoạt động.

Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đăk Nông cũng cung cấp 150 sọt sắt đựng đá để hỗ trợ việc ngăn dòng.

Ông Lê Văn Tỵ, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy nông Quảng Phú cho biết: Muốn đủ nước tưới cho hơn 100 ha lúa và cà phê thì trạm bơm công suất 150 m3/s phải hoạt động liên tục trong vòng 7-10 ngày. Hiện tại, trạm bơm dù cố gắng cũng chỉ được 7-8 giờ/ ngày nên lượng nước chẳng thấm vào đâu.

Theo kế hoạch điều tiết hồ chứa Thủy điện Buôn Tua Srah thì trong tháng 2 này, mỗi ngày họ sẽ xả nước 11 tiếng 30 phút với lưu lượng 62m3/s. Tuy nhiên, thực tế họ chỉ xả khoảng 7-8 tiếng/ ngày, bất đắc dĩ chúng tôi phải huy động nhân dân ngăn sông để cứu lúa.

Hiện tại, không riêng gì trạm bơm ở xã Quảng Phú thiếu nước, mà dưới hạ du sông Krông Nô, cả 3 trạm bơm của Hợp tác xã thủy nông Buôn Chóa phục vụ nước tưới cho gần 1.000 ha cây trồng cũng đang khát cháy dưới cơn hạn mùa khô.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".