Dân méo mặt vì chờ hướng dẫn

Dân méo mặt vì chờ hướng dẫn
TP - Bị Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình thu hồi quyết định hưởng lương hưu, bà Trần Thị Ngôn kiện vụ việc ra tòa và thắng kiện. Tuy nhiên gần 2 năm trôi qua, bà Ngôn vẫn chưa được khôi phục chế độ hưu trí.

> Thuê luật sư quốc tế giúp vụ kiện tôm Việt Nam
> Tòa làm ngơ yêu cầu hợp pháp của bị đơn

Trong đơn gửi Tiền Phong, bà Trần Thị Ngôn (trú tại số nhà 59 phố Nguyễn Văn Năng, tổ 18 phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) trình bày: Là con liệt sĩ, năm 1985 bà Ngôn được Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Bình cho đi học nghề.

Năm 1987, học nghề xong, bà Ngôn về làm việc tại Xí nghiệp May dệt thương binh huyện Vũ Thư, năm 1995 chuyển công tác sang Xí nghiệp May dệt thương binh Thái Bình (sau đổi thành Trung tâm dạy nghề Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, nay là Trường Trung cấp nghề Thái Bình).

Năm 2009, bà Ngôn được nghỉ hưu. Ngày 26-10-2009, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Bình ra quyết định (số 1136) xác nhận bà Ngôn có thời gian đóng BHXH là 21 năm 10 tháng, được hưởng lương hưu hằng tháng từ tháng 1-2009.

Tuy nhiên, ngày 1-12-2009, cơ quan này lại có văn bản (số 01) thu hồi quyết định 1136 với lý do: “Bà Trần Thị Ngôn có thời gian truy nộp BHXH từ tháng 1-1995 đến tháng 12-2004. Từ tháng 1-2005 đến tháng 9-2009 có nộp BHXH nhưng thực tế bà không trực tiếp làm việc tại đơn vị, không có quan hệ lao động, do đó không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên không được giải quyết chế độ hưu trí theo đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”.

Bà Ngôn kiện vụ việc ra tòa. Sau khi TAND TP Thái Bình xử sơ thẩm (ngày 13-12-2010) bác đơn khiếu nại, bà Ngôn đã kháng cáo. Ngày 22-3-2011, tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Bình nhận định: Từ 31-12-1987 đến 31-12-1994, bà Ngôn đã đóng BHXH bắt buộc.

Từ tháng 1-1995 đến tháng 6-2004, BHXH tỉnh Thái Bình đã cho phép bà Ngôn truy thu đóng BHXH; 6 tháng cuối năm 2004 bà tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Từ năm 2005 đến tháng 9-2009 bà Ngôn đóng BHXH thường xuyên theo quý.

Như vậy, bà Ngôn đã có thời gian đóng BHXH 21 năm 10 tháng với hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong trường hợp đóng BHXH tự nguyện vẫn có thể hưởng chế độ hưu trí.

Việc BHXH tỉnh Thái Bình cho rằng bà Ngôn không được hưởng chế độ hưu trí vì bà không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Thái Bình đã ra bản án (số 01) buộc BHXH tỉnh Thái Bình khôi phục Quyết định hưu trí hằng tháng từ tháng 11-2009 đối với bà Trần Thị Ngôn.

Sau phiên tòa trên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã có công văn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 01, nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản (ngày 7-7-2011) trong đó nhận định không có căn cứ kháng nghị bản án lao động phúc thẩm số 01 của TAND tỉnh Thái Bình.

Sau đó, BHXH tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị được xử giám đốc thẩm vụ việc, nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao lại có văn bản (ngày 23-8-2012) tái nhận định TAND tỉnh Thái Bình đã xử đúng, nên không chấp thuận đề xuất này. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa được thi hành án.

Ngày 7-2-2013, trong văn bản (số 605) trả lời báo Tiền Phong, BHXH Việt Nam cho biết: TAND tỉnh Thái Bình cho rằng việc tự nguyện đóng BHXH của bà Trần Thị Ngôn cho thời gian từ tháng 1-1995 đến tháng 9-2009, pháp luật cần coi đây là bảo hiểm tự nguyện.

Tuy nhiên, Luật BHXH quy định BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1-1-2008 nên cơ quan BHXH chưa thể thi hành án nêu trên. Để có căn cứ hướng dẫn BHXH tỉnh Thái Bình thực hiện chế độ BHXH đối với bà Trần Thị Ngôn theo phán quyết của TAND tỉnh Thái Bình, BHXH Việt Nam đã gửi văn bản báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị được hướng dẫn, tuy nhiên đến nay chưa nhận được trả lời. Khi có ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn BHXH tỉnh Thái Bình thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG