Biển xâm thực nuốt đường dân sinh

Biển xâm thực nuốt đường dân sinh
TP - Gần 3 năm qua, hàng trăm hộ dân dọc bờ biển ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) nơm nớp lo sợ vì biển xâm thực ăn sâu vào đất liền, nhiều công trình quân sự, quốc phòng bị đe dọa nghiêm trọng.

> Chưa có giải pháp giữ rừng ven biển
> Rừng tàn, biển tiến
> Sóng dữ 'cào' nhà dân lẫn resort

Khu vực bãi Bà Tình đến Bãi Lăng xã Tam Quang, mấy năm nay đã mất đi một diện tích đất khá lớn. Theo nhiều người dân, trước đây hai địa danh bãi Bà Tình và Bãi Lăng là bãi tắm rất đẹp với bãi cát trắng dài 100m nối từ mặt biển vô đến bờ. Thế nhưng, hiện nay bờ biển này đã sạt lở nặng, có nơi lở vào tới nhà dân, hiểm họa sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thôn An Hải Đông, xã Tam Quang bị sạt lở nặng, nước biển đã ăn sâu vào khoảng 20 m, tạo thành những hàm ếch khoét sâu vào đất liền. Những hàm ếch này có độ cao hơn 10m tính từ trên bờ xuống bãi biển, tạo thành những cái bẫy rất nguy hiểm cho người dân và gia súc.

Trong số các vị trí sạt lở, nguy hiểm nhất là khu vực biển sau cảng Kỳ Hà, chợ Tam Quang và khu vực đường giao thông dẫn vào các đơn vị Cảnh sát biển vùng 2. Bãi Lăng, thôn 3, xã Tam Quang cũng cùng chung tình trạng tương tự. Biển đã ăn sâu vào rừng phi lao chắn sóng chỉ trơ lại gốc.

Ông Nguyễn Thanh Tâm (57 tuổi, thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) cho biết: Biển đã nuốt vào tới đường đi của khu dân cư, mỗi ngày có hàng chục mét khối đất bị sóng biển đánh chìm đi.

Theo UBND xã Tam Quang, hiện có ít nhất có 5 hộ dân nằm trong điểm sạt lở chưa được di dời đến nơi an toàn. Nhiều hộ dân đang lo sợ khi mùa mưa bão sắp tới bờ biển này sẽ sạt lở thêm nữa, uy hiếp đến dân. Tại thôn 5 xã Tam Hải, hàng chục hộ sống ở khu vực cửa sông Trường Giang đổ ra biển đang bị biển ăn mòn, ngày đêm lo sợ nhưng vẫn chưa được di dời.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Phó chủ tịch xã Tam Quang, cho biết xã đã báo cáo cấp trên về tình trạng này, kiến nghị cấp kinh phí để xây bờ kè. Xã đã ra thông báo cấm người dân khai thác đất đá tại các khu vực sạt lở.

Hiện có 5 cơ quan, đơn vị nằm trong gần khu vực sạt lở, gồm Cty Trường Thành (Quân khu V), Cty ElfGaz (Quân khu V), Cảnh sát biển Vùng 2, công trình hải đăng Kỳ Hà, Trung tâm sự cố tràn dầu - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Trong số các vị trí sạt lở, nguy hiểm nhất là khu vực đường giao thông dẫn các đơn vị Cảnh sát biển vùng 2 và Sư đoàn 315.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT, cho biết: “Huyện đã làm hồ sơ gửi UBND tỉnh, trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu khảo sát tìm phương án ngăn chặn và khắc phục sạt lở, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì".

Huyện Núi Thành đã lên danh sách các hộ có nguy cơ sạt lở và sẵn sàng di dời nhưng do quy hoạch tái định cư chưa triển khai nên chỉ có thể di dời xen ghép và sạt lở tới đâu di dời tới đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.