Làm giàu với nghề nuôi rắn ráo

Làm giàu với nghề nuôi rắn ráo
TP - Một kg rắn thương phẩm có giá từ 800-900 nghìn đồng, lãi đáng kể nên nghề nuôi rắn đang được nhiều thanh niên ở Đắk Lắk tìm học với mong muốn thoát nghèo.

> Đột nhập làng nuôi rắn hổ chúa
> Rộ 'nghề' săn rắn độc

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành chăn nuôi thú y – Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, anh Nguyễn Văn Thủy (SN 1983, trú ở thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) mang hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối.

Thất nghiệp, Thủy ở nhà phụ giúp việc gia đình, nuôi gà, nuôi heo. Đến năm 2010, tìm hiểu cách nuôi rắn ráo trâu, anh xuống Bình Định mua 20 con về nuôi thử nghiệm. Thấy có hiệu quả, anh vay vốn ngân hàng đầu tư trang trại 50 triệu đồng và dành 200 triệu đồng mua 100 con rắn ráo bố mẹ về nuôi.

Trên diện tích 200m2, anh cho xây dựng nhiều ô nhỏ, sân bọc lưới cẩn thận để nuôi nhốt rắn ráo trâu sinh sản, rắn con và thương phẩm.

Theo anh Thủy, thức ăn của rắn ở địa phương rất dễ mua như cóc, nhái, chuột, đầu gà công nghiệp… trung bình 3 ngày cho ăn một lần, mỗi năm rắn ngủ đông 2 tháng không cần ăn.

Thời gian nuôi từ 14-16 tháng với trọng lượng 1,5kg trở lên thì có thể xuất bán. Do rắn hiền, không có nọc độc nên người nuôi hoàn toàn yên tâm.

“So với các loài vật nuôi truyền thống, hễ đến thời gian xuất chuồng thì phải bán, để lâu càng lỗ nên dễ bị tư thương ép giá. Còn nuôi rắn không phụ thuộc vào thời điểm bán, mình nuôi càng lâu thì càng được giá. Mặt khác, rắn rất ít khi bị bệnh tật, đầu ra ổn định, cung ít cầu nhiều nên luôn bán được giá cao”, anh Thủy cho biết.

Với giá thương phẩm từ 800-900 nghìn đồng/kg như hiện nay thì việc nuôi rắn ráo trâu có lãi hơn các loài khác từ 3 đến 4 lần. Năm 2012, anh đã bán ra khoảng 500 con giống với giá 200 - 250 nghìn đồng/con, khoảng 400kg rắn thương phẩm và hàng trăm quả trứng rắn, lãi không dưới 250 triệu đồng.

Cùng với việc nuôi rắn, trên diện tích 1.000m2 anh Thủy còn tận dụng để nuôi thêm thỏ, kỳ đà, heo rừng, heo nhà… để tăng thu nhập, lãi trên 400 triệu đồng/ năm.

Thời gian qua, trang trại của anh Thủy được rất nhiều đoàn tìm đến xem mô hình, học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn.

Anh Thủy chia sẻ: “Hiện nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng và tư thương mua làm dược liệu, cao rắn, ngâm rượu… rất lớn nên đầu ra khá ổn định, người nuôi có thể yên tâm. Riêng đối với các bạn thanh niên có nhu cầu nuôi, mình sẵn sàng hỗ trợ về giống và kỹ thuật”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG