Đúng nguyên tắc hay vô cảm?

Đúng nguyên tắc hay vô cảm?
TP - Sau 20 năm phục vụ ngành y tế ở huyện Buôn Đôn, bác sĩ Bun Mung Lào qua đời mà không được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội. Vợ con ông bần cùng phải đi khiếu nại, nghe trả lời “Ai bảo ông ấy chết sớm?”.
Gia đình BS Lào thời hạnh phúc
Gia đình BS Lào thời hạnh phúc.

Cái chết đến với bác sĩ Bun Mung Lào khiến gia đình ông rơi vào những khó khăn không lường trước được. Người dân tiếc thương vị thầy thuốc tận tụy 20 năm gắn bó với dân nghèo ở vùng đất biên giới nắng bụi mưa bùn, cho đến khi lìa đời chỉ sau 3 tháng phát bệnh K, dù đã nhiều năm giữ cương vị phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện, “gia sản” BS Lào để lại là... khối nợ đã trừ lương còn gần một trăm triệu đồng mà ông đã vay của ngân hàng để mở phòng khám tại căn nhà trú nhờ đứng tên anh vợ. Phòng khám chưa kịp đón bệnh nhân thì bác sĩ đã qua đời.

Theo hợp đồng tín dụng ngày 24/7/2012, chi nhánh một ngân hàng Buôn Đôn cho ông Bun Mung Lào vay 120 triệu đồng trong 24 tháng, lãi suất 17%/ năm, mỗi tháng thu nợ bằng cách trừ lương 5 triệu đồng cộng tiền lãi. Hồ sơ thể hiện ngân hàng thu nợ đến ngày 16/1/2013 thì ngưng, vì Bs Lào đã nghỉ việc.

Tháng 11/2012, thấy kết quả chẩn đoán là “u gan lan tỏa”, biết mình không sống được bao lâu nữa, BS Lào làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với Sở Y tế Đắk Lắk để xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chế độ bảo hiểm xã hội, hy vọng trả hết nợ vay để vơi bớt gánh nặng nuôi 2 con ăn học đang đè nặng trên vai người vợ ốm đau. Thế nhưng lo xong tang ma cho chồng, của nả không còn gì để nuôi 2 con ăn học, bà Ngô Thị Kim Yến chạy khắp các cửa xin nhận tiền chế độ.

Khoản tiền bảo hiểm xã hội mà BS Lào đã đóng bắt buộc theo nguyên tắc trừ lương gần tròn 20 năm, quy ra chế độ lãnh một lần được hơn một trăm triệu đồng, bà Yến không được lãnh.

Lý do được Trung tâm giám định Y khoa Đắk Lắk trả lời theo văn bản số 09 ngày 8/3/2013, tóm tắt: Sau khi nhận đơn xin giải quyết chế độ 1 lần của BS Lào, ngày 22/1/2013 Trung tâm đã cử bác sĩ đến nhà đương sự để lập hồ sơ. Phiên họp Hội đồng giám định y khoa để đưa ra kết luận tỷ lệ mất sức lao động của BS Lào được xếp lịch vào ngày 31/1/2013, thì ngày 29/1/2013 BS Lào đã mất. Biên bản giám định của Hội đồng y khoa không thể lập vào thời điểm sau khi đương sự đã mất. Do chưa có biên bản giám định, Bảo hiểm xã hội không thể giải quyết chế độ một lần cho đương sự theo quy định hiện hành !

Theo quyết định trợ cấp chế độ thôi việc giám đốc Sở Y tế đã ký, BS Lào còn khoản tiền trợ cấp thôi việc 44.688.000đ. Tháng 4/2013 Bệnh viện huyện Buôn Đôn thi hành quyết định này nhưng cũng không trả tiền cho người vợ góa, mà chuyển cho ngân hàng cấn trừ vào khoản nợ BS Lào đã vay.

Sao cho hợp lý ngay tình?

Thể trạng ngày càng tiều tụy với 2 khối u hai bên vú ngày càng lớn mà không có tiền đi xét nghiệm lẫn nỗi sợ cầm toa không tiền mua thuốc, bà Yến vẫn cố gắng ngược xuôi lên tỉnh, xuống huyện “đòi” chế độ cho chồng. Nhưng, Thanh tra Sở khuyên bà thôi đi, vì nguyên tắc đã thế , “Nếu ông ấy không chết sớm mới giúp được”!

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, bác sĩ Siu Thắt, Phó Chủ tịch UBND huyện buôn Đôn cho biết ông rất bất bình khi dõi theo sự việc này. Khi nghe một phó giám đốc Sở Y tế cũng là người dân tộc thiểu số lạnh lùng phán: “Ai bảo ông ấy chết sớm!”, ông đã nổi giận quát: “Lãnh đạo mà vô cảm đến vậy, liệu có đáng ngồi trên cái ghế ấy không?”.

Mới đây, câu chuyện về trò chơi xổ số ở Kiên Giang đã được giải quyết có tình có lý sau 3 tháng gõ khắp các cửa của ông Tùng, người dân nghèo lỡ để tờ vé số rách đôi, phạm quy nhưng vẫn được Bộ Tài chính chỉ đạo trả thưởng. Trường hợp lỡ chết sớm đau thương của BS Lào còn khiến dư luận quan tâm hơn thế, mong sao sớm đến kết cục hợp lý ngay tình!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG