Nóng bỏng chuyện cát ở ĐBSCL

Nóng bỏng chuyện cát ở ĐBSCL
TP - Từ ngày 24/4, UBND tỉnh Trà Vinh tạm ngừng việc khai thác cát ven biển phục vụ san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, dù dự án Cảng biển của Trung tâm Điện lực vừa khởi công ngày 21/4. Cùng với nhiều diễn biến thời gian gần đây trong việc khai thác cát ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), cho thấy lĩnh vực này đang nóng bỏng.

> Bắt 17 tàu hút cát trái phép tại sông Hồng
> Bắt giữ 43 tàu khai thác cát trái phép

Thông báo của UBND tỉnh Trà Vinh, tạm ngừng với mọi đơn vị, doanh nghiệp khai thác cát biển để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường. Riêng những trường hợp được giải quyết cho phép trước đây, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) kiểm tra lại vị trí lấy cát phù hợp với phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án, cách bờ biển trở ra 300 - 500m thì mới được khai thác. Ước tính của cơ quan chuyên môn, tổng lượng cát san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Duyên Hải hơn 26 triệu m3.

Cát san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã nóng huyện Duyên Hải từ đầu năm nay, khi rộ lên tình trạng đào ao nuôi tôm sâu thêm 1,5 - 2m để lấy cát. Khởi đầu ở xã Dân Thành, sau lan sang xã Trường Long Hoà, theo Phòng TN-MT huyện Duyên Hải, đã có gần 120 hộ được cấp phép tận thu cát đáy ao tôm, tổng cộng hơn 2 triệu m3.

Với giá bán ban đầu 10.000 đ/m3, nay tăng lên 14.000 đ/m3, có hộ thu được tiền tỷ. Lợi ích trước mắt lớn, việc đào ao lấy cát đang lan rộng và có người đào sâu thêm hơn 2 m, dấy lên lo ngại làm hại môi trường.

Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải Phạm Văn Rê cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra, xem xét lại việc tận thu cát ở ao nuôi tôm nếu gây hại môi trường thì chấn chỉnh”.

Thượng lưu sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Đồng Tháp cũng nóng chuyện khai thác cát sông, một trong những nguyên nhân gây ra hơn 100 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 56 km ở 36 xã, phường, thị trấn. Có nơi sạt lở sâu vào đất liền đến 15 mét. Chỉ hai đoạn sạt lở bờ sông Tiền ở huyện Lấp Vò và ở thị xã Sa Đéc chạy xuống huyện Châu Thành, dài hơn 4 km, từ cuối năm 2012 đến nay xử lý khẩn cấp đã tốn hơn 100 tỷ đồng, dự kiến phải có 263 tỷ nữa mới khống chế được sạt lở.

Vị trí giáp ranh = khó quản

Đầu tháng 4, làm việc với Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long kiến nghị nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn việc cấp phép khai thác mỏ cát trên sông ở nơi giáp ranh các tỉnh.

Liên quan đến các doanh nghiệp khái thác cát trái phép ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), làm Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hồng Lâm mất chức và hai phó bí thư đang bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Trung cho biết, cuối tháng 5 sẽ kết thúc kiểm tra. “Sau đó, Tỉnh uỷ sẽ tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân lãnh đạo huyện vì kiểm điểm trước đây chưa đạt yêu cầu”, ông Trung nói “khi xác định rõ hành vi sai trái, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ qua cơ quan CSĐT để xử lý”.

Trữ lượng cát khai thác hàng năm của Vĩnh Long 4-6 triệu m3, tuy nhiên các mỏ cát thường nằm vị trí giáp ranh với địa phương khác nên khó quản lý tình trạng khai thác gây hại cho môi trường.

Điển hình như khu vực quanh cầu Cần Thơ trên sông Hậu. Ông Phan Quang Dự, GĐ Cty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ, cho biết, Cty chỉ quản lý rộng ra mỗi bên 150 m, còn xa hơn nếu khai thác cát ảnh hưởng đến cầu thì đề nghị tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ kiểm tra xử lý. Tỉnh Vĩnh Long có quy định khai thác cát phải cách xa cầu Cần Thơ từ 1 km trở lên.

Trong lúc phía Cần Thơ, PGĐ Sở TN-MT Nguyễn Minh Thế ngày 24/4 nói với PV Tiền Phong: “Khai thác cát cách xa cầu Cần Thơ bao nhiêu để đảm bảo an toàn cầu và bờ sông thì tôi chưa trả lời được vì chưa có kết quả khảo sát của các nhà khoa học”.

Tỉnh Vĩnh Long mới đây đã xác định được nguyên nhân vụ sạt lở bờ sông Tiền cuối năm ngoái, làm tan làng bè có 25 lồng nuôi cá và 4 ao cá giống ở xã An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long), do 2 hố sâu dưới lòng sông. Thời điểm xảy ra sạt lở, một số xáng khai thác cát gần bờ đã bị tạm giữ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức thoả thuận đền bù giữa doanh nghiệp khai thác cát với các hộ nuôi cá bị thiệt hại. Hai bên vẫn tranh cãi, trong lúc, nhiều tỷ phú nuôi cá bị trắng tay.

Trên tỉnh Đồng Tháp, ngày 25/4, PGĐ Công an tỉnh Võ Ngọc Hữu cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra một doanh nghiệp khai thác cát trái phép, chuẩn bị chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG