Thiếu minh bạch đất làm đường

Thiếu minh bạch đất làm đường
TP - Nhiều con đường được xác định là công trình trọng điểm nhưng kéo dài sự dang dở, có nguyên nhân thiếu minh bạch trong việc xác định diện tích đất, nên đường làm mãi không xong còn sinh khiếu kiện.

> Tiếp xúc, đối thoại mới giảm khiếu nại
> Tăng đối thoại giải quyết bức xúc của dân

Đường Quang Trung - Cái Cui, “công trình trọng điểm” từ trung tâm TP Cần Thơ về Cảng biển quốc tế Cái Cui, dài khoảng 8 km, làm đã hai năm nhưng đến nay chưa cắm mốc ranh giới. Bảy doanh nghiệp có dự án khu dân cư kế bên, được động viên giao đất để làm đường, nửa năm rồi liên tục khiếu nại đề nghị chính quyền địa phương xác định diện tích đất đã lấy của từng dự án và giải quyết quyền lợi đi kèm.

Hồi cuối năm 2011, UBND quận Cái Răng (Cần Thơ) đã có một quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường cho các doanh nghiệp, nhưng sau đó lại hủy với lý do “điều chỉnh cho phù hợp với quy định”.

Từ đó, các doanh nghiệp chờ đợi. Theo quyết định phê duyệt (đã hủy), các doanh nghiệp được bồi thường đất hơn 36 tỷ đồng. Nhiều nhất là Cty TNHH Thiên Lộc xấp xỉ 8 tỷ đồng, ít nhất là Cty Cổ phần Đầu tư Nam Long - Chi nhánh Cần Thơ gần 2 tỷ đồng.

Ông Võ Thành Vạn, GĐ Cty TNHH Thiên Lộc, nói rằng không rõ diện tích đất bị thu hồi nên dự án không tính được tiền sử dụng đất, thuế…

Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng trong một cuộc họp gần đây đã phê bình chủ đầu tư con đường là Sở GT-VT “làm chưa hết trách nhiệm”.

Cụ thể, không cắm mốc ranh giới, tổ chức thi công đường làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật của các dự án dân cư và “khi có vướng mắc đã thiếu quan tâm tháo gỡ”. Ông yêu cầu làm lại cho đúng quy định.

Phó GĐ Sở TN-MT Cần Thơ Dương Tấn Hiển lý giải, trước đây quận làm không đúng, sinh ra khiếu nại mới chuyển lên Sở TN-MT và bây giờ phải làm quy trình ngược. Đường thi công đã xong mấy đoạn, mới tổ chức cắm mốc ranh giới, tính toán bồi hoàn. “Còn đất thu hồi của từng dự án, khi cắm mốc xong, chúng tôi sẽ ra quyết định cụ thể”, ông Hiển nói.

Dân bất bình

Dãy nhà đất ở phường Bình Đức đang khiếu kiện. ẢNH: Hòa HỘI
Dãy nhà đất ở phường Bình Đức đang khiếu kiện. ẢNH: Hòa HỘI.
 

Ở tỉnh An Giang, dự án mở rộng Quốc lộ 91 đoạn bị sạt lở ở phường Bình Đức (TP Long Xuyên) và làm 600 m cống thoát nước, khởi công đã gần năm, nay vẫn tranh cãi đất đai. Đây là con đường huyết mạch từ TP Long Xuyên lên TX Châu Đốc biên giới nên được xác định là “công trình trọng điểm”.

Thế nhưng, có 10 hộ ở trên nửa chiều dài công trình (300 m) chưa tháo dỡ nhà, giao mặt bằng. Những hộ này sử dụng đất từ trước năm 1975 và đã được cấp sổ đỏ, nhưng khi mở ra công trình giữa năm 2012, UBND TP Long Xuyên không ra quyết định thu hồi và bồi thường, mà yêu cầu các hộ dỡ nhà “vi phạm hành lang lộ giới”.

Bà Nguyễn Thị Trúc Phương, Chủ tịch UBND phường Bình Đức, giải thích là năm 1992, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định về hành lang lộ giới và giải tỏa các công trình vi phạm mà không bồi thường.

Nhưng các hộ dân nói, quy định hành lang lộ giới có sau, theo Luật Xây dựng năm 2003 cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng từ năm 2005, các hộ dân được bồi thường khi giải tỏa di dời.

Năm 2006, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên từng ra quyết định buộc một hộ dân là vợ chồng bà Liềm Húng dỡ nhà “vi phạm hành lang lộ giới”.

Vợ chồng bà Liềm Húng khởi kiện yêu cầu hủy quyết định và TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm đã chấp thuận. Sau đó, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên kháng nghị lên Viện KSNDTC nhưng TANDTC khẳng định, tòa xử đúng.

Đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên lại có quyết định xử phạt hành chính vợ chồng bà Liềm Húng và ra lệnh cưỡng chế ngôi nhà “vi phạm hành lang lộ giới”.

Ngày 15/4/2013, vợ chồng bà Liềm Húng tiếp tục khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định “trái pháp luật”, còn kiến nghị “xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Long Xuyên”. TAND TP Long Xuyên đã thụ lý để giải quyết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG