'Rốn thuốc nổ' miền Trung

'Rốn thuốc nổ' miền Trung
TP- Vùng biển miền Trung luôn được coi là ngư trường sôi động nhất nước. Thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng dùng thuốc nổ trong đánh bắt hải sản đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Đến nỗi ở vùng biển Quảng Ngãi đã có một tên mới: Rốn thuốc nổ miền Trung.

Chủ tàu đánh bắt cá xa bờ kiêm thuyền trưởng Lương Văn Hùng khi vào làm thủ tục đăng ký tàu tại trạm kiểm soát của Đồn biên phòng Kỳ Hà, Quảng Nam bức xúc: “Dân chài lưới chúng tôi ngoài đi biển chẳng biết làm gì. Nhưng sống nhờ biển thì chẳng biết còn được đến bao lâu. Biển tan nát cả rồi...”.

Theo lời anh Hùng, ra biển bây giờ, gặp các tàu cá của Quảng Ngãi, phản ứng đầu tiên của anh là cho tàu chạy ra xa vì rất nhiều tàu cá của Quảng Ngãi thực chất là một kho thuốc nổ.

Anh Hùng nói: “Họ đánh bắt bằng cách vây rút tức là họ buông lưới vây không cho các tàu khác vào khu vực câu cá rồi thả mìn đánh chết hết các sinh vật ở biển.

Mỗi lần như vậy, họ vớt được 80% đến 90% hải sản của khu vực quây lưới. Nhìn tàu Quảng Ngãi lúc đi là một tàu đá về là tàu cá mà xót xa, vì đánh bắt kiểu đó có khác nào hủy diệt nguồn lợi thủy sản...”.

Tang tóc vì thuốc nổ

Theo nghiên cứu của tổ chức Hòa bình xanh, một quả mìn ném xuống đại dương, thì 100% vi sinh vật, cá, tôm trong phạm vi bán kính 30 mét đều bị diệt, trong khi đó họ chỉ vớt lên được 1/10 số cá chết còn lại để thối trong lòng đại dương.

Vậy mà mỗi ngày có hàng trăm quả mìn được sử dụng vô tội vạ như vậy trên biển miền Trung.

Không chỉ hủy diệt thủy sản, mà việc tháo lắp bom đạn để nhồi mìn đánh bắt thủy sản trên biển đã làm cho nhiều gia đình lâm cảnh tang tóc.

Một đồng nghiệp ở Truyền hình Quảng Ngãi đã từng kể về hiểm họa thuốc nổ ở Quảng Ngãi như sau: Có những ngư dân đang nhồi thuốc nổ vào ống bơ sữa bột thì bị phát nổ dẫn đến bản thân bị què cụt, người thân bị chấn thương.

Anh bạn đồng nghiệp này còn cho tôi xem một đoạn phim anh đã quay ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cảnh những ngư dân ở đây đang kéo cái xác chỉ còn mỗi thân người của một ngư dân đi đánh mìn ở biển vào bờ. 

Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, chỉ huy trưởng Đồn biên phòng Dung Quất cho biết,  mới đây các anh đã phải bắt nóng một đối tượng do nhìn nhầm người nhái đang lặn mò ốc ngoài biển là cá  nên đã thả mìn xuống làm người này chết tan xác. Những thảm họa như vậy đã xảy ra không ít, nhưng với ngư dân Quảng Ngãi thuốc nổ vẫn là thứ không thể thiếu khi ra khơi.

Trước tình trạng này, các lực lượng công an và biên phòng ở địa phương thường xuyên mở các đợt tấn công truy quét và đánh thẳng vào các vùng thuốc nổ. Đây thực sự là cuộc chiến vô cùng khốc liệt.

Đội trưởng trinh sát Đồn biên phòng 328 Lý Sơn, Huỳnh Đức Tin, “sát thủ” của dân buôn lậu thuốc nổ hiện đang bị bọn buôn thuốc nổ dọa sẽ cho anh tan xác.

Vừa ra Lý Sơn nhận công tác, đội trưởng Tin đã lên kế hoạch khảo sát nắm tình hình mua bán và sử dụng thuốc nổ trên đảo. Đầu năm nay, anh đã cùng anh em trong đơn vị mật phục tại hang Cò, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, bắt quả tang đối tượng Dương Minh Bồng đang vận chuyển 134,3 kg thuốc nổ ra tàu.

Anh Tin cho biết, ngay việc mua bán vận chuyển thuốc nổ đến tay ngư dân cũng đang trở thành nghề mới. Tại Quảng Ngãi các con buôn thường mua thuốc nổ từ Quảng Trị, giá khoảng 80.000 đồng/kg rồi bí mật chuyển lên tàu đưa ra đảo Lý Sơn.

Một ki lô gam thuốc nổ đến tay ngư dân sẽ được bán với giá 180.000 đồng. Việc vận chuyển của các “gã lái buôn thuốc súng” ngày càng tinh vi. Ngày 30/4 vừa qua, một thanh niên mặc quần soóc áo thun, vai khoác ba lô kiểu khách đi du lịch hòa vào dòng người từ tàu cao tốc bước xuống bến cảng của huyện đảo Lý Sơn.

Khi bất ngờ bị giữ lại kiểm tra giấy tờ, vị khách quẳng túi đồ đi rồi lao mình nhảy xuống biển. Trong ba lô là 14 kg thuốc nổ. “Vị khách” buôn thuốc nổ này bị bắt ngay sau đó tên là Nguyễn Xuân Tình, ở Cao Thắng, Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nếu trót lọt vụ này, tên Tình lãi gần 2 triệu đồng.

Lợi nhuận cao, nhu cầu lớn và ý thức ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản còn hạn chế... Đó là những điều kiện thuận lợi để ngư trường miền Trung vẫn mịt mờ khói lửa. 

MỚI - NÓNG
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
TPO - Để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận về tên gọi mới khi sáp nhập, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân, thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 4/5. Còn tỉnh Bình Thuận sẽ có 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã có liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.