Ai 'chống lưng' cho trạm trộn bê tông, bãi cát dọc sông Hồng?

TPO - Hàng loạt trạm trộn bê tông, bãi vật liệu không phép là điểm xuất phát của các xe tải nặng, cơi nới tàn phá đê sông Hồng qua Hà Nội. Các trạm này cũng gây ô nhiễm nặng nề cho hàng nghìn hộ dân sống ngoài đê. Vi phạm đã được xác định rõ, cơ quan chức năng yêu cầu phải tháo dỡ nhưng nhiều năm qua vẫn ngang nhiên hoạt động.

Làm cửa kính chống ồn, phủ ni lông chống bụi

Như Tiền Phong phản ánh trong thời gian qua, mặt đê sông Hồng qua Hà Nội bị cày nát. Khói bụi, tiếng ồn, đường xuống cấp và mất an toàn giao thông là những gì người dân ở xã Văn Khê (huyện Mê Linh), Thống Nhất (huyện Thường Tín) phải chịu đựng nhiều năm qua. Đặc biệt, ba năm lại đây, mức độ hư hỏng đường, ô nhiễm càng nặng nề hơn. Nguyên nhân chính là do các xe trộn bê tông, xe Howo (còn gọi là xe hổ vồ) trọng tải lớn, thùng được cơi nới chở vật liệu vào ra các trạm trộn bê tông tươi, bãi vật liệu xây dựng phía ngoài đê.

Ai 'chống lưng' cho trạm trộn bê tông, bãi cát dọc sông Hồng? ảnh 1 Trên địa bàn xã Thống Nhất, huyện Thường Tín có nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng không phép

Tiếp tục kháo sát cho thấy, các trạm trộn bê tông, bãi vật liệu xây dựng nối tiếp nhau hoạt động suốt ngày đêm nằm dọc tuyến đê sông Hồng từ huyện Thường Tín đến huyện Mê Linh. Trên địa bàn xã Thống Nhất (huyện Thường Tín), chỉ khoảng 2km đường đê nhưng có tới 5 điểm tập kết cát sỏi, trạm trộn bê tông, nhà hàng ăn uống quy mô lớn đang hoạt động. Đặc biệt, có trạm trộn Phong Cảnh quy mô lớn, cung cấp bê tông tươi cho rất nhiều dự án, nhà dân trên địa bàn huyện Thường Tín và một số quận, huyện lân cận.

Ai 'chống lưng' cho trạm trộn bê tông, bãi cát dọc sông Hồng? ảnh 2 Bụi bay mịt mù mỗi khi có xe trọng tải lớn đi qua khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn

Hằng ngày, từ trạm trộn này, từng đoàn xe bồn, xe chở vật liệu trọng tải lớn, gắn logo Bê tông Phong Cảnh nối đuôi nhau ra vào liên tục. Đoạn đê ngay lối dẫn vào trạm trộn xuống cấp trầm trọng. Dù cơ quan chức năng cho đổ đất để vá víu, nhưng không hiệu quả. Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa tạo thành những ổ voi, ổ trâu, gây cản trở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Văn Minh, trú tại thôn Giáp Long, xã Thống Nhất cho biết, các gia đình quanh khu vực phải đóng cửa suốt ngày, gia cố cửa kính, phủ ni lông lên các vật dụng. Đặc biệt vào ban đêm, tiếng ồn từ hoạt động của trạm trộn bê tông làm ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của người già và trẻ em.

Ai 'chống lưng' cho trạm trộn bê tông, bãi cát dọc sông Hồng? ảnh 3 Trạm trộn và chế tạo cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng lấn chiếm hành lang đê điều

Tại huyện Mê Linh, địa bàn xã Văn Khê, trạm trộn và chế tạo cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng ngang nhiên lấn chiếm hành lang đê điều nhưng không bị chính quyền các cấp xử lý. Ông Lê Minh A, trú tại thôn Khe Ngoại, xã Văn Khê cho biết, mỗi lần công nhân tiến hành đổ xi măng vào bồn, người dân phải đóng kín cửa; nhiều lúc, người ngồi bên ngoài nhà phải chạy lên đê để tránh bụi. Chưa hết, lượng xe tải trọng lớn ngày đêm vào ra bốc hàng làm hỏng đường đê, đã xảy ra một số vụ va chạm giao thông. “Người dân nhiều lần phản ánh đến xã và huyện nhưng họ vẫn cứ ngang nhiên hoạt động sản xuất như bình thường”, ông Anh nói thêm.

Huyện và xã chỉ đạo trên giấy

Theo tài liệu của PV Tiền Phong thu thập được, ngày 26/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Thường Tín về việc đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều thuộc địa bàn xã Thống Nhất. Ngày 3/12/2019, UBND huyện Thường Tín có chỉ đạo xử lý vi phạm về đất đai, đê điều của công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phong Cảnh (Cty Phong Cảnh).

Nội dung văn bản nêu rõ: UBND huyện Thường Tín yêu cầu phòng Kinh tế, phòng Tài nguyên – Môi trường, Công an huyện, Hạt quản lý đê điều Thường Tín, UBND xã Thống Nhất phải ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm của Cty Phong Cảnh, yêu cầu tháo dỡ các hạng mục xây dựng, di dời toàn bộ phương tiện. “UBND xã Thống Nhất chịu trách nhiệm trước UBND huyện về việc thực hiện các nội dung, báo cáo kết quả trước ngày 30/9/2019’, văn bản nêu. Dù vậy, như trên đã nêu, trạm trộn của Cty Phong Cảnh đang hoạt động bình thường mà không gặp phải bất kỳ việc kiểm tra, xử phạt nào của cơ quan chức năng.

Ai 'chống lưng' cho trạm trộn bê tông, bãi cát dọc sông Hồng? ảnh 4 UBND huyện Thường Tín có chỉ đạo xử lý nhưng trạm trộn bê tông Cty Phong Cảnh vẫn tồn tại, hoạt động

Bà Vũ Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết, trạm trộn Phong Cảnh chưa có phép, nhưng lỗi do “lịch sử để lại”, chưa thể xử lý. “Trên địa bàn xã có khoảng 5 điểm tập kết vật liệu xây dựng và 1 trạm trộn bê tông Phong Cảnh hoạt động không phép. Trước mắt UBND xã sẽ không để phát sinh công trình mới, còn sai phạm cũ thì phải có thời gian mới xử lý được”, bà Hồng nói.

Ông Lưu Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Khê lại cho biết: “Tôi mới nhận chức, không nắm được họ có phép hay không” và tắt máy. Trong khi đó, theo thông tin PV có được, trạm trộn và làm cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng tại xã Văn Khê hoạt động từ năm 2017 bị UBND huyện Mê Linh xử phạt 2 lần về trật tự xây dựng và môi trường. Quyết định xử phạt này cũng ghi rõ trạm trộn bê tông này hoạt động không phép và xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ngày 15/10/2020, Sở NN&PTNT TP Hà Nội có công văn gửi báo Tiền Phong thông tin về tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa phận huyện Thường Tín mà Tiền Phong phản ánh. Theo công văn, từ 1/1/2020 đến 18/9/2020, Hạt Quản lý đê điều Thường Tín phối hợp với Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông Thường Tín kiểm tra, xử phạt 23 trường hợp xe quá tải trọng hoạt động trên đê, tổng số tiền phạt hơn 70 triệu đồng. Dù vậy, công văn cũng nêu, khi tổ công tác không hoạt động, lại có tình trạng xe quá tải trọng hoạt động trên đê.

MỚI - NÓNG