Ai gây ra những mặt đường 'Cái Bang'

Mặt đường sau khi dự án Cát Linh - Hà Đông rút đi được vá chằng chịt
Mặt đường sau khi dự án Cát Linh - Hà Đông rút đi được vá chằng chịt
TP - Sau khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông dỡ bỏ hàng rào, trục đường Quang Trung-Trần Phú-Nguyễn Trãi (Hà Nội) xuất hiện nhiều điểm lồi lõm, chắp vá chằng chịt, nhiều người ví mặt đường như áo "Cái Bang". 

Mặt đường chắp vá, xuống cấp

Trên cung đường Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi, xuất hiện nhiều điểm vá víu, lồi lõm. Trong đó, phần đường nằm trong hàng rào chắn phục vụ thi công đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông có tần suất các mảng trám, lỗi lõm nhiều hơn.

Tại các khu vực nhà ga của tuyến đường sắt như: Đối diện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngã ba Trần Phú-Chiến Thắng… vá chằng chịt ngang dọc. Riêng phần rào tôn của dự án Cát Linh - Hà Đông trước đây nằm về phía dải phân cách giữa, không có hệ thống thoát nước nhưng thấp hơn mặt đường chung khoảng 3 cm nên cứ mưa là nước thành vũng.

Đặc biệt, trên toàn tuyến, đoạn Trần Phú - Nguyễn Trãi, mỗi chiều rộng đến 4-5 làn xe chạy nhưng không có vạch kẻ phân làn nên ô tô và xe máy lách, vượt lộn xộn, nguy hiểm. 
Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh gần cổng trường Đại học Hà Nội chia sẻ, hệ thống thoát nước rất kém, đường lại lõm về giữa nên chỉ cần mưa, đường Nguyễn Trãi lập tức đọng nước, gây cản trở giao thông.

“Một số người điều khiển xe máy không may đi vào điểm đọng nước, bị ngã bầm dập. Nhiều sinh viên tan tầm sang đường thiếu quan sát rất nguy hiểm. Hy vọng toàn tuyến sớm được sửa chữa”, bà Lan nói thêm. 

Trách nhiệm của nhiều bên?

Đại diện của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), đơn vị quản lý dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho biết, trong năm 2017 và 2018 các nhà thầu đã thi công hoàn trả mặt đường trên trục Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi. Sở GTVT và các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, nghiệm thu thực hiện quản lý, duy tu bảo trì.

Cũng theo vị đại diện này, khi nhận mặt bằng để rào chắn, thi công, hầu hết mặt đường trong phạm vi dự án đã được khai thác từ lâu. “Theo nguyên tắc, chúng tôi chỉ phải trả lại mặt bằng cho thành phố Hà Nội đúng theo hiện trạng khi được bàn giao” - ông này nói.

Về các điểm hỏng hóc, không êm thuận khi dự án hoàn thành phần trụ, nhổ cọc, bỏ rào chắn, vị này cho rằng, cần phải xác định nguyên nhân hỏng hóc của từng vị trí cụ thể. “Trên cùng một tuyến đường có nhiều đơn vị cùng khai thác như điện lực, viễn thông, thoát nước. Việc quản lý, bảo trì và tổ chức giao thông sau hoàn trả, bàn giao cho đơn vị tiếp nhận thực hiện. Nếu có hư hỏng, cần phải kiểm tra xác định nguyên nhân từ đó mới xây dựng phương án để sửa chữa. Nếu hỏng học do dự án gây ra, chúng tôi sẽ sẵn sàng sửa chữa”, đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết.

Ngoài ảnh hưởng của việc thi công tuyến đường sắt trên cao, các đoạn bên phải tuyến đường Trần Phú-Nguyễn Trãi trước đây có làn đường dành riêng cho xe buýt. Làn đường dành riêng cho xe buýt này được ngăn cách với làn đường chính bởi một dải đất trồng xà cừ. Sau khi hàng xà cừ bị chặt để làm đường, phần đường phía trong và phía ngoài có sự chênh lệch độ cao.

Ngoài phạm vi dự án có nhiều điểm sụt lún, có chỗ độ vênh so với mặt đường từ 5-10cm. Theo quy định hiện hành, do đây là đường nội thị nên trách nhiệm sửa chữa, duy tu các hỏng hóc nêu trên, cộng với việc kẻ vạch làn đường, thuộc về Sở GTVT Hà Nội. 

MỚI - NÓNG