Bán đất sản xuất, nông dân thành phu vàng

Bán đất, vợ chồng chị Phước phải mót vàng ngay trên đất sản xuất của chính mình. Ảnh: N. Cường
Bán đất, vợ chồng chị Phước phải mót vàng ngay trên đất sản xuất của chính mình. Ảnh: N. Cường
TP - Khi dòng sông Vàng (Đông Giang – Quảng Nam) đang dần cạn kiệt thứ khoáng sản hấp dẫn, vàng tặc bắt đầu lấn sang đất sản xuất bằng cách mua đất của người dân, biến dân xã Tư thành phu vàng ngay trên đất của chính mình…

Chủ tịch xã Tư, ông Nguyễn Văn Phải cho hay, hiện có ít nhất 100 hộ trong số 350 hộ dân ở các thôn Điềm và Đa Nghi đã chính thức bán đất cho cai vàng với giá rẻ mạt. “Ngay cả tôi đây là Chủ tịch UBND xã mà khi trên đường đi làm về, cai vàng còn chặn giữa đường gạ bán đất vì họ biết tôi có 2 sào đất ở thôn Ley ngay sát bờ sông Vàng. Tôi không bán, họ còn dọa nếu sạt lở ráng chịu” - ông Nguyễn Văn Phải nói.

Ông Phải thừa nhận do phải giữ uy tín của vị trí chủ tịch xã, làm gương cho dân nên ông không thể bán đất, chứ nếu là một người dân bình thường, ông Phải không chắc có giữ được 2 sào đất bên bờ sông Vàng hay không.

Sông Vàng thành con sông chết kèm theo nạn sạt lở
Sông Vàng thành con sông chết kèm theo nạn sạt lở.

Theo ông Phải, hiện xã Tư chỉ còn 2 thôn là Ley và Vàu là người dân còn cơ bản giữ được đất sản xuất. Ba thôn Điềm, Đa Nghi và Nà Ho gần như đất đã được bán sạch. “Tôi không thể thống kê được bao nhiêu trong số 350 hộ dân bán đất cho cai vàng, nhưng chắc chắn là rất nhiều. Đặc biệt thôn Điềm, hầu như hộ nào cũng bán đất. Tôi họp dân vừa khuyên can vừa cấm đoán nhưng không ăn thua. Cứ đà này rồi họ sẽ bán sạch đất sản xuất, có khi bán cả đất vườn, không biết tương lai con cháu lấy chi mà làm ăn sinh sống”- ông Phải than vãn.

Theo ông Phải, hiện cả xã còn khoảng 18ha đất sản xuất nhưng với đội quân hơn 500 phu vàng khắp nơi đổ về càn quét, trong lúc xã Tư chỉ có hơn 1.500 khẩu, không biết 18ha đất sẽ còn giữ được bao lâu, khi mà vàng tặc ngày ngày khoét sâu vào tận từng thôn xóm.

Trường hợp bán đất tiêu biểu ở thôn Điềm là ông Đinh Văn Chờ, có nhà sát ngay chân cầu treo bắc từ thôn Ley sang thôn Điềm. Trước cửa nhà ông Chờ, từng hố vàng sâu hoắm đã ăn vào tận hiên. Ông Chờ cho hay, ông không bán đất mà là “hợp tác làm ăn với những người đào vàng, bằng hình thức sang nhượng hơn 1ha đất cho cai vàng với số tiền hơn trăm triệu”. Diện tích đất mà ông Chờ bán ngay trước nhà, giờ đang được khai thác với rầm rập máy xúc, máy ủi. Từng hố vàng đã sâu dễ hơn chục mét.

Ông Nguyễn Văn Kíp, hàng xóm của ông Chờ cho hay, đó là mảnh đất mà cách đây 1 năm keo tràm còn tươi tốt. “Mảnh vườn 3 sào của tôi cũng đang bị họ hỏi thăm hàng ngày, chắc rồi cũng phải bán thôi” - ông Kíp nói. Vợ chồng chị Đinh Thị Phước (thôn Đa Nghi) cũng là một trong những người dân bán đất, chính thức tọ mọ vàng (còn gọi là mót vàng) ngay trên đất trồng keo tràm của chính mình.

“Gia đình tôi không còn đất sản xuất, không nghề nghiệp, nhà có đến 4 đứa con đang đói ăn ở nhà. Người ta phá tan hoang vùng đất này rồi, chúng tôi chỉ tọ mọ thôi. Có được sào đất ven sông Vàng mà họ cũng chẳng để cho yên, gạ miết nên phải bán, được 3 chục triệu, đầu tư máy nổ tọ mọ vàng đây”.

Anh Tiến, chồng chị Phước cho hay đất ven sông Vàng không muốn bán cũng không xong vì nguy cơ sạt lở luôn cận kề. “Cứ đà này, ai có đất ven sông Vàng đều bán sạch” - anh Tiến chỉ tay về vùng sạt lở từ việc khai thác vàng bừa bãi dọc triền sông, chán nản nói. Nhóm 4 nữ phu vàng ngồi nghỉ trưa giữa lòng sông Vàng thì đã có tới 2 người đã bán đất. Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Điềm, xã Tư), nói: “Không bán lấy gì ăn?”.

Hút nước làm vàng đổ ra môi trường
Hút nước làm vàng đổ ra môi trường.

Tỉnh cho thuê!

Chủ tịch xã Tư, Nguyễn Văn Phải cho hay có tình trạng này là do trước đây, UBND huyện Đông Giang bắt tay liên kết với một số DN vàng để thu lệ phí. “Sau năm 2007, huyện mới chính thức cấm, nhưng lúc đó sông Vàng cũng đã tan hoang rồi. Phu vàng khắp nơi đổ về, xã nhiều lần ra quân truy quét nhưng lực lượng quá mỏng nên đành bó tay.

Ông Đinh Thái Long, Chủ tịch huyện Đông Giang cho rằng số lượng dân bán đất cho cai vàng là “không nhiều” và cho đến nay cũng “chưa thống kê được”. Theo ông Long, từ năm 2003 - 2007, UBND huyện Đông Giang có chủ trương cho 2 - 3 DN khai thác vàng trên sông Vàng, sau đó trích 20 - 30% sản lượng vàng hằng năm mà các đơn vị khai thác được nộp lại cho huyện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay khi UBND huyện cấm khai thác vàng trên sông Vàng, tỉnh Quảng Nam đã cấp phép (văn bản số 98/QĐ- UBND ngày 8-1-2008) cho Cty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam khai thác vàng trên diện tích 50,79ha với thời gian từ 1-2008 đến 12-2010.

Theo ông Nguyễn Văn Phải, toàn bộ đất trên thuộc loại đất sản xuất, nhưng trong văn bản cấp phép cho Cty này khai thác vàng, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đây là diện tích đất khoáng sản thuộc quản lý của Nông trường chè Quyết Thắng.

Trong khi đó ông Trần Trúc - GĐ Nông trường chè Quyết Thắng cho hay, số đất bị thu của đơn vị chỉ là 3,2ha trong số 50,79ha. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Xí nghiệp vàng Punếp (thuộc Cty Cp kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam) là đơn vị đang khai thác vàng trên diện tích đất này và vẫn chưa hoàn thổ. Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Lực - Phó GĐ xí nghiệp cho biết đã hoàn thổ theo kiểu cuốn chiếu và đổ lỗi việc tan hoang bãi vàng, hủy hoại môi trường là do người dân “tọ mọ” vàng.

l “Chuyện người dân bán đất sản xuất cho cai vàng, tôi có nghe nhưng đến nay chưa thấy xã hay huyện báo cáo. Theo Luật Đất đai, bán như vậy là không đúng với mục đích sử dụng. Đặc biệt là dân bán cho cai vàng, sau khi khai thác sẽ không còn hình trạng ban đầu, gây ảnh hưởng đến môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh. Tôi sẽ báo cáo vấn đề này lên UBND tỉnh để sớm có quyết định xử lý. Đợt này, tôi cũng đề nghị kiểm tra cả hoạt động khai thác của Xí nghiệp vàng Punếp”.

 - Ông Nguyễn Viễn - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Nam

l“Toàn bộ đất ở, đất vườn và đất sản xuất của người dân 2 xã Ba, Tư chưa có chủ trương cấp sổ đỏ (quyền sử dụng đất). Vì thế, việc mua bán đó là sai hoàn toàn. Tuy nhiên, huyện không quản lý nổi chuyện này nên không thể đưa ra chế tài, chỉ biết tuyên truyền, vận động dân”.
- Ông Đinh Thái Long - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam)

MỚI - NÓNG