Bất cập hồ Tây

Bất cập hồ Tây
TP - Hồ Tây vẫn bị lấn chiếm hè đường, thải rác. Nhiều người dân còn đến đây để tắm, gây mất cảnh quan và nguy hiểm.

Thuyền trên hồ Tây nghiêng là người chết
> Chòng chành nhà nổi Hồ Tây

Mất vệ sinh

Bà L.A (trú tại phố Thuỵ Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh: Tôi thường đi bộ tại hồ Tây, thấy bức xúc về việc nhiều người đã lợi dụng cảnh quan đẹp quanh hồ để kinh doanh nhưng lại không có ý thức giữ vệ sinh. Chiều đến, nhiều hộ dân đồng loạt bê quán hàng, kê bàn ghế quanh khu vực vườn hoa và đường dạo hồ Tây để bán hàng. Có lần, tôi chứng kiến một người thu gom rác khi cầm vỏ quả dừa tươi lên không biết có phải do thấy hơi nặng tay hay bực vì nhiều rác quá nên ném luôn vỏ dừa xuống hồ. Có hộ bán hàng tại một vườn hoa, khi quét dọn đồ ăn thừa của khách cũng vun luôn xuống hồ. Tôi góp ý, nhưng họ cứ tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Thực tế, quanh hồ Tây, mặc dù cấp chính quyền đã dựng nhiều tấm biển yêu cầu người dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Có hộ dân tỏ ra biết điều, sau khi dọn hàng đã làm vệ sinh, nhưng không ít hộ dân vô tư xả rác. Đáng lưu ý, tại khu vực đầm sen thuộc địa bàn phường Quảng An có hộ dân còn mang hàng ra giữa đầm để kinh doanh. Sở dĩ họ làm được việc này bởi giữa đầm có một khoảng diện tích rộng được đổ bê tông phía trên. Nối liền bờ với đảo bê tông này là một cây cầu cũng được đổ bê tông. Một phần rác thải tại đây được đổ xuống đầm sen.

Nguy hiểm bơi hồ

Cách đầm sen trên không xa, khoảng 5 giờ chiều hàng ngày, nhiều người dân thường xuống hồ Tây để tắm. Hầu như chẳng ai quan tâm là đã bị cấm. Trên tường rào đối diện nơi họ tắm, liên tiếp gắn những tấm biển: “Khu vực khách ngoại giao, đề nghị giữ trật tự”. UBND phường Quảng An cũng dựng biển: Khu vực cấm gây mất an ninh, trật tự.

Người dân bơi tại hồ Tây Ảnh: K.N
Người dân bơi tại hồ Tây Ảnh: K.N.

Phần lớn mọi người đến bơi không có phao.

Khi được hỏi: “Vì sao quanh đây có một số bể bơi mà vẫn xuống đây tắm?”- một số thanh niên cho biết: “Chúng em không có tiền. Hơn nữa bơi ở bể không khoái bằng bơi hồ. Bơi hồ Tây có điều kiện ra xa mới phê”. Hỏi một người già dạy bơi cho cháu, nhận được cái lừ mắt: “Tôi dạy cho cháu gần bờ, chẳng làm sao cả. Trẻ em thành phố cũng phải biết bơi càng nhanh càng tốt”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phương Văn Vĩnh, Phó Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, mặc dù đã cấm và tuyên truyền về sự nguy hiểm khi bơi hồ Tây nhưng sự việc vẫn diễn ra. Thời gian tới Ban quản lý sẽ tăng cường quản lý và có hình thức xử lý cương quyết hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG