Quảng Trị:

Bế tắc 'cuộc chiến' đẩy lùi hiểm họa cây mai dương

Bế tắc 'cuộc chiến' đẩy lùi hiểm họa cây mai dương
TP - Mấy năm trở lại đây ở Quảng Trị, một đối tượng sinh vật ngoại lai có tên  mai dương (Mimosa prige) hoặc gọi là cây trinh nữ thân gỗ với đặc tính phát triển quá nhanh, mạnh đã gây nên mối hiểm họa lớn đối với đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bế tắc 'cuộc chiến' đẩy lùi hiểm họa cây mai dương ảnh 1
Cây mai dương đang...”tấn công” ruộng nước và mương thủy lợi Đông Thanh, thị xã Đông Hà (chụp sáng 14/10/2007) - Ảnh: H.T

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn đang lúng túng bó tay!

Nhận diện hiểm họa

Theo các nhà chuyên môn, cây mai dương xuất phát từ Nam Mỹ. Hàng chục năm trước, người ta quan sát chúng mọc dày đặc ở Mêhicô, Braxin... nơi có giờ nắng rất cao trong năm, là môi trường”béo bở” cho mai dương phát triển.

Ở Quảng Trị, thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Chi cục BVTV) cho thấy tổng diện tích đất bị “nhiễm” cây mai dương lên tới 1.015 ha; trong đó Triệu Phong là nơi bị xâm lấn nhiều nhất với 210 ha, kế tiếp là thị xã Đông Hà 195 ha, huyện Đakrông 190 ha.

Tất cả các địa phương trong tỉnh đều bị “dính” mai dương. Ngay cả thị xã Thành cổ Quảng Trị chỉ có 2 phường thôi mà cũng có đến 15 ha bị mai dương bao phủ.

Nghiêm trọng hơn, ở thị xã Đông Hà đã có 6 ha đất màu và ruộng 1 vụ bị mai dương lấn át hoàn toàn.

Với mật độ cây mai dương trùm phủ dày đặc ở ven sông suối, ven đường và bãi hoang như hiện nay thì dự báo sắp tới sự bành trướng của loài cây này ra diện tích đất trồng trọt còn lại - nhất là vùng hạ nguồn ở đồng bằng là rất lớn.

Chi cục BVTV cảnh báo, nếu không có giải pháp quản lý phòng trừ thì diện tích “nhiễm” cây mai dương năm 2008 trên địa bàn Quảng Trị sẽ là 2.000 ha, đến năm 2010 sẽ lên tới 8.000ha, với mật độ quy đông đặc 3-5 cây/m2.

Có đề án, nhưng không có... tiền!

Trước thách thức từ hiểm họa xâm lấn của cây mai dương, các cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã khảo sát, nghiên cứu lập Đề án phòng trừ tổng hợp cây mai dương tại Quảng Trị.

Tháng 8/2006, đề án này hoàn tất. Đáng chú ý trong đề án đã đưa ra 3 giải pháp liên hoàn trong phòng trừ cây mai dương (chặt gom đốt, xử lý hóa học và trồng cây che phủ đất) và kèm theo tờ trình xin hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện đề án là 310.750.000 đồng (trong đó đề nghị Nhà nước đầu tư 265.000.000 đồng, nhân dân đóng góp 45.750.000 đồng) gửi đến các cơ quan chức năng.

Tiếc thay, đến thời điểm này (14/10/2007) đề án vẫn đang “ngủ... trên giấy” bởi không có kinh phí. Tỉnh Quảng Trị không có một khoản tiền 310,75 triệu đồng, hay không có sự quyết tâm để làm một việc quan trọng (?!).

Ông Trần Văn Tân, Chi cục phó Chi cục BVTV trăn trở: “Cây mai dương là đối tượng dịch hại mới, tiềm ẩn những hiểm họa chưa thể đánh giá hết đối với thổ nhưỡng, cây trồng và đời sống dân sinh vùng bị nó xâm lấn.

Tận diệt được mai dương thì tài nguyên vô giá là đất đai sẽ được bảo toàn diện tích, phục vụ tích cực cho phát triển nông nghiệp và đời sống người dân.

Những bất tiện do cây mai dương gây ra trong đi lại, sản xuất... cũng được loại trừ”.

Cây mai dương nằm trong danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới do sức sống, sức bành trướng rất mạnh.

Thân mai dương có chứa mimosin, một loại axit amin có thể gây độc hại đối với nhiều loại động vật.

Nó cạnh tranh và dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thảo mộc, các loài thực vật phát triển ở tầm thấp.

Đối với những vùng trồng lúa nước và hoa màu, nó cản trở việc làm đất và chăm sóc các loại cây trồng.

Ở những khu vực mà loài cây này mọc dày đặc với mật độ phủ kín thì không loài cây, loài động vật nào sống được dưới tán của chúng.

Cũng theo ông Tân, việc trồng cây hữu ích theo lối tập trung, phân tán để tạo sự cạnh tranh lấn át cây mai dương cũng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho người nông dân trước khi giải phóng hoàn toàn diện tích đất mà cây mai dương xâm lấn trước đây vào mục đích phát triển nông nghiệp”.

Không có tiền, Đề án phòng trừ tổng hợp cây mai dương lâm vào bế tắc ngay từ khi... chưa khởi động.

Oái oăm thay, trong lúc đề án “giậm chân tại chỗ” thì cây mai dương với sức sống mãnh liệt và đành hanh như nó vốn có tiếp tục sinh trưởng không gì cản được.

Người nông dân quan ngại, vấn nạn này vẫn tiếp tục thì những cánh đồng lúa của Quảng Trị vốn chẳng nhiều nhặn gì trong tương lai gần sẽ nhường chỗ cho cây mai dương mọc thành... rừng!

Sẽ không công bằng, trong khi ở Quảng Trị đầu tư hàng trăm triệu đồng để khai hoang mở rộng diện tích ở những vùng đất gò đồi cằn cỗi mà lại “vô tình” để một diện tích đất canh tác rộng lớn, màu mỡ ngay tại đồng bằng, gần khu dân cư cho cây mai dương ung dung phát triển gây hiểm họa trực tiếp và lâu dài cho đất đai lẫn con người.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.