Bệnh về mắt gia tăng

Bệnh về mắt gia tăng
TP - Số người mắc các bệnh về mắt ở nông thôn đang ngày càng gia tăng, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong khi đó, hệ thống y tế cơ sở chuyên khoa về mắt ở một số địa phương còn thiếu và yếu, chưa được quan tâm đúng mức.

Ngân hàng chữa mắt miễn phí cho người nghèo
> Ba triệu trẻ em Việt Nam phải đeo kính

Lặn lội hàng trăm cây số để chữa mắt

Có mặt ở Trạm y tế xã Vạn Thắng (Ba Vì – Hà Nội) vào một ngày cuối tuần, chúng tôi thấy số bệnh nhân đến khám mắt ở đây ngày một đông. Ngoài các bệnh nhân trong và ngoài huyện Ba Vì còn có nhiều người đến từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,… tìm đến khám, chữa mắt. Hỏi ra mới biết, sở dĩ nhiều người lặn lội về đây là bởi y sỹ Lê Thị Ơn từng chữa khỏi mắt cho nhiều người. Được biết, y sỹ Lê Thị Ơn trước đây làm việc tại Bệnh viện Ba Vì, năm 2006 về hưu và làm việc tại Trạm y tế xã Vạn Thắng. Do có kinh nghiệm, uy tín chuyên khoa mắt nên lãnh đạo huyện, xã vẫn ký hợp đồng để bà tiếp tục điều trị, chữa bệnh cho người dân.

Lật từng quyển sổ theo dõi bệnh nhân, y sỹ Ơn cho biết: “Số bệnh nhân tuổi từ 21 đến 35 đến đây khám và điều trị rất nhiều, chủ yếu là bệnh liên quan viêm, nhiễm trùng, nguyên nhân gây bệnh cũng đa dạng. Nhiều bệnh về mắt nếu phát hiện sớm thì điều trị sẽ nhanh khỏi, để lâu điều trị rất khó khăn hoặc để lại các di chứng. Có hai thanh niên (một nam, một nữ, 21 tuổi) quê ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) bị viêm màng bồ đào. Cả hai người này đều đã điều trị ở nhiều nơi, có cháu nghỉ học hơn 1 năm chữa bệnh mà chưa khỏi. Sau hơn 1 tháng điều trị ở đây, 2 cháu đã khỏi bệnh và về nhà”.

Có thể kể tên một số người điều trị đã khỏi bệnh viêm màng bồ đào như Đinh Văn Hiên (23 tuổi) xóm Trại, Yên Lương, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Nguyễn Thị Hương (21 tuổi), xã Minh Quang (Ba Vì), Nguyễn Thị Quyền (TX Sơn Tây), Nguyễn Văn Mơi (31 tuổi, Cổ Đông, TX Sơn Tây)… Có bệnh nhân ở thôn 2, xã Đồng Thắng, Triệu Sơn (Thanh Hóa) cũng khăn gói ra đây chữa bệnh viêm màng bồ đào, nay đã khỏi.

Bà Ơn làm việc cả tuần, trung bình mỗi ngày 30-50 bệnh nhân khám, có những hôm cuối tuần có khoảng gần 100 người đến khám, điều trị. Một tháng bà khám mắt cho khoảng 1000 người. Riêng xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ - Hà Nội), ngày nào cũng có người dân đến khám mắt, nhiều bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh. Theo y sỹ Ơn, hiện bệnh viêm màng bồ đào nơi nào cũng có người mắc. Ngoài ra, lứa tuổi học sinh rất nhiều người bị viêm kết mạc, viêm giác mạc, dị ứng theo mùa,… Nhiều học sinh do đùa nghịch bị chấn thương… Có cháu 11 tuổi bị viêm kết mạc dị ứng (viêm kết mạc mùa xuân)… Trong số bệnh nhân từng điều trị ở đây, tỷ lệ nữ chiếm số đông, sau đó là trẻ em. Riêng tháng 6-2011, số bệnh nhân điều trị tại đây là 174 người.

Ông Lê Văn Hoàn (57 tuổi, xã Tản Hồng, Ba Vì) chia sẻ, mắt tôi bị viêm loét giác mạc. Hiện nay, ở nông thôn do vệ sinh kém, nguồn nước không đảm bảo, bà con phun thuốc trừ sâu không đeo kính bảo hộ, không đeo khẩu trang nên nhiều người bị bệnh về mắt.

Bệnh nặng do chủ quan và thiếu bác sỹ chuyên khoa

Theo Ths.bác sỹ Đỗ Văn Hải – Bệnh viện Mắt Hà Đông, hiện nay lứa tuổi thanh thiếu niên mắc nhiều bệnh lý về mắt do viêm nhiễm (bụi bặm, chấn thương, vi trùng, vi khuẩn), nếu không chăm sóc, điều trị kịp thời nhẹ chuyển sang nặng, điều trị sẽ khó hơn. Ở nông thôn, phụ huynh còn ít quan tâm đến mắt của các cháu. Có nhiều cháu bị mờ mắt nhưng không nói cho bố mẹ biết, đến khi bị nặng mới đi khám. Khi trẻ bị mờ một mắt, còn mắt kia vẫn nhìn được, các cháu vẫn chơi bình thường nên bố mẹ không biết. Hầu hết, phụ huynh ở quê thường mải làm ăn, thiếu hiểu biết các bệnh về mắt. Trẻ em nông thôn thường đùa nghịch, có những cháu bị bạn chọc que vào mắt hoặc bị chấn thương do chơi khăng, bắn súng cao su, súng nhựa do Trung Quốc sản xuất… Còn người lớn thường bị chấn thương ở mắt do tuốt lúa, làm việc ở môi trường ô nhiễm…

Bác sỹ Đỗ Văn Hải cho biết: Có những bệnh nhân đến đây khám mới biết mình bị mờ một bên mắt, một mắt đạt 10/10, còn mắt kia chỉ đạt 1- 2/10. Mờ mắt là triệu chứng của nhiều bệnh lý về mắt, hiện nay mờ mắt do tật khúc xạ đã đến mức báo động. Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) ngày càng gia tăng do học tập căng thẳng, xem ti vi, chơi điện tử nhiều. “Hiện nay, bác sỹ chuyên khoa mắt ở cơ sở còn yếu và thiếu, nhiều nơi còn chưa có, nhất là ở vùng nông thôn, ngay tại một số bệnh viện huyện ngoại thành Hà Nội cũng thiếu bác sỹ chuyên khoa mắt", Bác sĩ Hải nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG