Bi kịch thần y

Thần y nhí” Phùng Minh Quân đang được theo dõi chứng tâm thần hoang tưởng. Ảnh: Báo Đồng Nai
Thần y nhí” Phùng Minh Quân đang được theo dõi chứng tâm thần hoang tưởng. Ảnh: Báo Đồng Nai
TPO - Hàng ngày, sau giờ học, Quân chữa bệnh cho cả hàng ngàn người đến từ nhiều địa phương khác nhau. Bi kịch nảy sinh từ đây. Bởi, “thần y” hay không “thần y” thì Quân vẫn chỉ là một cậu nhóc.

Phùng Minh Quân, là tên khai sinh của cậu nhóc vừa 9 tuổi, đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Địa chỉ chính xác của cậu nhóc ấy là ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2.


Thế nhưng, Phùng Minh Quân ít được gọi tên là Quân, thay vào đó người ta gọi cậu nhóc là “Thần y”, cái biệt hiệu này của Quân vang danh khắp nhiều tỉnh thành.

Cũng không biết từ khi nào, ba mẹ của Quân lẫn nhiều người được Quân khám bệnh bằng cách sờ tay vào người để “truyền năng lượng của thánh” tin rằng chỉ cần như vậy sẽ hết bệnh. Bất chấp đó là chứng bệnh nan y hay đau nhức thông thường.

Hàng ngày, sau giờ học, Quân chữa bệnh cho cả hàng ngàn người đến từ nhiều địa phương khác nhau. Người bệnh ở xa như Quảng Ngãi, Bình Định… thì nắm cơm, gói gém đồ đạc vào ấp Ngô Quyền nhờ Quân chữa bệnh. Người bệnh ở gần như TP.HCM thì dậy từ lúc tinh sương, ngồi xe về Đồng Nai xếp hàng chờ Quân thăm khám…

Bi kịch nảy sinh từ đây. Bởi, “thần y” hay không “thần y” thì Quân vẫn chỉ là một cậu nhóc. Nhất là khi hồi giữa tuần này, Quân phải nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 để các bác sĩ theo dõi và điều trị chứng “rối loạn ý tưởng, theo dõi hoang tưởng”. Đó là chưa kể đến việc Quân có dấu hiệu của sự suy nhược thần kinh, cơ thể.

1. Quân, cùng quê với tôi. Ngày tôi lên thành phố, trọ học Đại học thì Quân vẫn chưa ra đời. Mỗi lần về quê, có nghe láng giềng kháo nhau về tài chữa bệnh của Quân, nhưng tôi cho rằng đó là câu chuyện mua vui nên không để ý lắm, mãi cho đến khi truyền thông “tẩn” Quân tơi tả.

Ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai… là vùng thuần nông của cả huyện. Trước đây, người dân ở khu vực này sinh sống chủ yếu với cây lúa. Về sau, có thêm những loại cây ăn trái khác như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt. Nhà Quân nằm tít trong phía sau của ấp Ngô Quyền, người dân quen gọi là xóm Mới.

Xóm Mới trước nữa có tên là Lò Gạch. Nơi đó, ít người ở vì xa khu dân cư quá mà đường xá đi lại cũng khó khăn. Trước khi, có được con đường trải nhựa láng cóng như bây giờ, xóm Mới biệt lập với cụm dân cư ấp Ngô Quyền với những con đường đất, mưa thì lầy lội nắng thì mù bụi đỏ. Trong ký ức của tôi về xóm Mới, chỉ có cơn gió bốc đất bụi mù tung, những căn nhà vách nữa cũ kỹ, lũ trẻ con cáu bẩn chơi trước sân, tiếng dế gáy vang trong những ụ gạch cũ và cái miếu ông Hổ âm u nằm cạnh con đường lớn vào xóm Mới.

Cha mẹ của Quân có tên là Phùng Văn Đỗ và Nguyễn Thị Tất, cũng như những người dân khác đang sinh sống tại cái xóm này, ông Đỗ và bà Tất làm nghề nông. Ông bà hiếm muộn, mãi mới có được Quân. Thật ra, có nhiều tin đồn khác về nguồn gốc của Quân, nhưng thôi tôi không lạm bàn đến điều này.

Quân đang sống yên ổn cùng cha mẹ, thì bất ngờ khoảng giữa năm trước, cha mẹ Quân phát hiện Quân có thể chữa khỏi bệnh đau nhức khớp xương bằng cách chạm tay vào chỗ đau của người bệnh. 

Tất nhiên, đó là sự phát hiện và khẳng định niềm tin dựa vào cảm quan cá nhân của cha mẹ Quân, nhưng điều này thì có ảnh hưởng gì đến tin đồn đâu, Nhất là khi một vài người láng giềng bị đau nhức khớp, anh thanh niên trong xóm đi đá bóng bị trật chân… cũng qua nhà nhờ Quân “rờ cho một chút”. Ai được Quân rờ xong, cũng tự động nói “Khỏi rồi, hết đau rồi. Thằng Quân không phải là người bình thường”.

Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn… Phùng Minh Quân được gọi là “thần y” lúc nào chẳng ai biết. Và ngay lúc này, bỗng dưng có tin Quân được một vị Thánh tử vì đạo mượn xác để chữa bệnh làm phúc cứu bá tánh.

2. Tin đồn lan nhanh, hàng ngàn người bệnh từ khắp các tỉnh thành tìm đến nhờ “thần y” Phùng Minh Quân chữa bệnh. Họ là những người không may bị ung thư, bị khối u trong não, bị bại liệt, bị thoái hóa khớp… 

Tất tần tật những người không may mắc phải các chứng bị mà chúng ta quen gọi là “nan y” đều tìm đến nhà của “thần y” Phùng Minh Quân. Cái xóm Mới vốn dĩ rất bình yên đã không còn bình yên nữa. Hàng ngày, người dân trong xóm thấy hàng đoàn xe du lịch 16 chỗ, xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ với biển kiểm soát ngoại tỉnh đậu tràn xóm, những chiếc xe ôm chạy như con thoi tấp vào khu vườn của nhà Quân để khách rồi vội vã quay lại bến xe để chở khác mới… 

Cao điểm vào hai ngày cuối tuần, khi Quân không phải đến lớp, có độ khoảng hơn 3 nghìn người bệnh chờ “thần y” Phùng Minh Quân cứu chữa.

Chỉ nội với việc chở khách vào nhà Quân không, thì trung bình mỗi ngày cuối tuần một người chạy xe ôm tại khu vực này có thể kiếm trên 500 nghìn, nói vậy đủ để biết lượng bệnh nhân tìm đến nhà Quân đông như thế nào. Bệnh nhân nằm chật dưới những tán cây chôm chôm, họ ngồi kín trong những khoảng mát của khu vườn nhà Quân, họ thấp thỏm chờ đợi khi Quân chưa đi học về, họ ngong ngóng giấc ngủ trưa của Quân… 

Với họ, Quân là tất cả niềm hy vọng mà họ đặt vào. Cũng dễ hiểu thôi, “có bệnh thì vái tứ phương”. Nhất là những chứng bệnh nặng, thì niềm tin vào tâm linh vốn dĩ đã thuộc về truyền thống.

Ban đầu, Quân chữa bệnh không nhận bồi dưỡng, chỉ là “làm phúc giúp đời”. Người bệnh cũng không để Quân phải nhọc công mà vẫn phải ăn cơm của cha mẹ, họ mang cho Quân bánh, sữa tười… Họ cho Quân nhiều đến độ, gia đình Quân phải gọi xe tải nhỏ vào nhà chở bánh và sữa đi nhượng lại cho các đại lý bánh kẹo vì nhiều quá, Quân dùng không hết.

Tiếp đến, ai đó gợi ý người nhà Quân đặt thùng từ thiện. Người bệnh đến chữa bệnh tùy tâm muốn cho Quân bao nhiêu thì cho. Mỗi người chỉ cần đặt vào thùng từ thiện 50 ngàn hay 100 ngàn, thì với lượng người bệnh đến nhà Quân mỗi tuần đông đến vậy, nhẩm tính nhanh cũng đã ra một con số khủng khiếp. “1,3 tỷ đồng khi chưa đến 1 tháng”, người hàng xóm của gia đình Quân nói với tôi qua điện thoại.

Tất nhiên, với thông tin “thần y 9 tuổi, chữa được bách bệnh” mà Quân đang được đám đông (lẫn gia đình) Quân khoác vào người là đề tài rất hấp dẫn với giới truyền thông. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi ở TP.HCM lao về Đồng Nai để viết bài phản ánh. Đồng nghiệp có rủ tôi đi cùng, nhưng tôi từ chối. Thú thật với bạn đọc, tôi làm báo đã gần mười năm, vẫn tự nhủ nếu quê có chuyện gì đó tôi sẽ có cách khác để phản ánh chứ không phải trên mặt báo.

Sau khi truyền thông phản ánh những gì đã, đang và sẽ xảy ra xung quanh “thần y 9 tuổi” cùng những hệ lụy của nó. Phía chính quyền địa phương đã có những động thái rất quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này. 

Thật ra trước đó, lãnh đạo xã, rồi công an xã cũng đã mời cha mẹ của Quân ra Ủy ban để làm việc, vận động, giải thích gia đình không nên để Quân tiếp tục chữa bệnh theo cách phản khoa học, chưa được kiểm chứng từ giới y khoa như vậy. Nhưng, họ đã không thắng được nỗi hy vọng còn sót lại của những bệnh nhân đặt niềm tin vào “thần y” Phùng Minh Quân. Hơn nữa, người ta tìm đến nhà Quân thì đâu có lý do gì mà ngăn cấm cho được. Thậm chí, vị linh mục cũng đứng ra giải thích với gia đình Quân. Tiếc rằng, đâu lại vào đấy.

Phút chốc, cậu bé 9 tuổi được gia đình tận dụng thời gian đến mức tối đa trong công việc chữa bệnh. Địa phương ngăn cản thì ngăn cản, còn gia đình thì cứ nghiễm nhiên tán đồng phương cách chữa bệnh của Quân. Quan trọng hơn, bệnh nhân còn tin Quân.

Anh trai của tôi bị đau dây chằng chân trái, cũng vào nhờ Quân sờ một chút. Hỏi anh là có bớt không? Anh trả lời, lúc đó thì bớt về sau lại đau như cũ. Tất nhiên, niềm tin luôn làm cho người bệnh cảm thấy yên tâm trong thoáng chốc, điều này như là một liệu pháp tinh thần trong điều trị bệnh của các bác sĩ.

Chuyện gì đến cũng đến, sau khi nhiều lần thuyết phục, vận động lẫn giải thích đối với gia đình Quân vẫn không có kết quả, phía chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháo mạn để ngăn chặn tình hình mất trật tự tại địa phương do “cơ sở khám chữa bệnh trái phép” của gia đình Quân gây ra.

3. Chiều 22/3, Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng nai đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với gia đình Quân số tiền 35 triệu đồng, do đã có hành vi tổ chức chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, phía Ủy ban Huyện cũng đã yêu cầu gia đình Quân cần phải chấm dứt ngay lập tức việc khám chữa bệnh phản khoa học này.

Một ngày sau, Quân được đưa đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Dầu Giây (huyện Thống Nhất) do Quân có những biểu hiện của tình trạng suy nhược cơ thể, tinh thần. Tiếp đến, Quân được chuyển lên khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Tại đây, các bác sĩ xác định Quân bị “rối loạn ý tưởng, theo dõi hoang tưởng”. 

Quân chính thức bị cách ly với gia đình, bạn bè, tạm thời dừng lại chuyện học tập để tiện hơn cho việc chữa bệnh. Mỗi chiều, Quân chỉ được gặp cha mẹ mình một lát. Đến khi nào các bác sĩ xác nhận Quân hoàn toàn khỏe mạnh về thể trạng và tinh thần, Quân sẽ tiếp tục được đi học trở lại.

Tôi có gọi điện thoại cho cậu bạn đang làm việc tại UBND xã, hỏi cậu bạn rằng liệu việc đưa Quân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 có phải là phía chính quyền địa phương bị sức ép của truyền thông quá lớn mà hành động vậy hay không? Cậu bạn trả lời, hoàn toàn không có điều đó. Quân đúng là có những dấu hiệu của chứng hoang tưởng và suy nhược cơ thể.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện cũng có chỉ thị cho những giáo viên đã từng dạy Quân không được tiếp xúc với báo chí. Nhưng với những gì mà tôi nắm được, thì rõ ràng Quân không được sống trong môi trường mà những cậu bạn, cô bạn của Quân đang sống. Quân luôn tỏ ra mệt mỏi khi đến lớp, Quân tiếp thu kiến thức chậm, Quân đờ đẫn. 

Có lần, thầy cô hỏi Quân là sao Quân không dừng việc chữa bệnh lại để có thể học hành cho tốt hơn. Quân trả lời thút thít, “Dạ, tại cha mẹ muốn vậy”.

Cha mẹ Quân có thương con không(?). Chắc chắn là thương, rất thương nữa là đằng khác. Vì Quân là đứa con duy nhất mà họ có được. Tuy nhiên, như tôi đã viết trong rất nhiều bài viết về người quê của mình. Cái thương nhất của người quê là sự hạn định về nhận thức. Hơn nữa, Quân rõ ràng đang mang lại thứ mà phải qua rất nhiều mùa trái cây, phải qua rất nhiều năm được mùa, phải qua rất nhiều thời gian dành dụm và phải qua rất nhiều may mắn thì cha mẹ Quân mới có thể sở hữu được.

Chính vì điều này, họ quên mất Quân chỉ vừa 9 tuổi và Quân chỉ mới đang học lớp 4. Nhẽ ra, Quân phải có được một cuộc sống đúng nghĩa được yêu thương như cách họ đã làm khi Quân chưa phải nhận lãnh cái danh hiệu rất đáng buồn là “thần y 9 tuổi” một cách đầy bị động.

Bây giờ, thì mọi thứ có vẻ đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ Quân nữa. Họ chỉ còn biết hy vọng vào ngày Quân sớm cân bằng được cuộc sống, trở về với gia đình, với bạn bè…

Quân trở về, chỉ bằng cái tên gọi Phùng Minh Quân, là học sinh lớp 4 thôi. Chứ không phải là “thần y” hay thánh chữa bệnh gì cả. Bấy nhiêu thôi, là đã đủ đầy với Quân rồi. Mặc cho, cơn dư chấn của truyền thông, cơn dư chấn của thân phận mà Quân vô tình vướng phải khi Quân còn quá bé (rất bé) là điều mà phải rất lâu sau Quân mới có thể tạm nguôi ngoai được.

Tội nghiệp cho “thần y” biết bao nhiêu(!). Tôi không trách những bệnh nhân đã tìm đến nhờ Quân chữa bệnh, dẫu chính họ là căn nguyên lớn nhất tạo nên một “thần y 9 tuổi”. Bởi tâm lý cá nhân, tâm lý của người thân, ai có bệnh mà không van vái tứ phương, cứ nghe lời rì rầm ở đâu có thầy hay, thầy giỏi là lập tức tìm đến. Khi không còn hy vọng, họ hay tin vào điều mơ hồ, không thật. Bất chấp người ngoài cuộc nhìn sẽ biết niềm tin ấy là điều không tưởng.

Giá mà niềm tin được đặt đúng chỗ, giả mà cha mẹ của Phùng Minh Quân tỉnh táo hơn, thì chắc chắn, đã không nảy sinh ra một bi kịch thần y.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, là nhà báo, đang sống và làm việc tại TP.HCM.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.