Huế:

Bia tưởng niệm tiểu đội nữ du kích anh hùng bị 'cất kho'

Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương trước khi bị di dời
Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương trước khi bị di dời
TPO - Sau 20 năm tồn tại và trở thành điểm hành hương, tri ân, giáo dục truyền thống quen thuộc dành cho giới trẻ, các cơ quan, tổ chức và người dân xứ Huế, mới đây, tấm bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương thiết đặt tại phường Phú Hội (Huế) đã bị di dời, mang về “cất kho” trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.  

Nguồn tin từ Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế cho biết, cơ quan này vừa hoàn tất di dời tấm bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương ra khỏi khu vực đặt bia lâu nay thuộc vị trí gần ngã tư Bà Triệu - Lê Quý Đôn - Dương Văn An (phường Phú Hội, thành phố Huế) theo chủ trương của Tỉnh ủy TT-Huế.

Bia tưởng niệm tiểu đội nữ du kích anh hùng bị 'cất kho' ảnh 1

Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Ảnh tư liệu

Việc di dời này thực hiện cuối tháng 7 vừa qua, được Sở VHTT tỉnh TT-Huế giải thích là do vị trí từng đặt bia trong tình trạng nhếch nhác, không đảm bảo mỹ quan; trong khi, từ năm 2013, Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế có thông báo chủ trương di dời tấm bia này đến khu quy hoạch Vỹ Dạ, Huế.

Đây là nơi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh TT-Huế thực hiện xây dựng công trình bia chiến công 11 cô gái sông Hương mới (phường Vỹ Dạ, Huế), với tổng diện tích 900 m2, kinh phí đầu tư 2,8 tỷ đồng. Công trình đã khánh thành vào tháng 10/2016. Từ thời điểm đó đến trước khi di dời bia cũ, tại Huế tồn tại hai điểm tưởng niệm 11 cô gái sông Hương.

Bia tưởng niệm tiểu đội nữ du kích anh hùng bị 'cất kho' ảnh 2

Tấm bia tưởng niệm đã bị di dời và được giải thích là do vị trí từng đặt bia trong tình trạng nhếch nhác, không đảm bảo mỹ quan; trong khi, từ năm 2013, Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế có thông báo chủ trương di dời tấm bia này đến khu quy hoạch Vỹ Dạ, Huế.

Được biết, bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương vừa bị dời đi được xây dựng vào năm 1997, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo kỷ niệm 30 năm Xuân Mậu Thân 1968 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế (khóa 11, 1996 - 2000). Vị trí đặt bia tưởng niệm từ 20 năm trước đã được lấy ý kiến kỹ lưỡng từ các nhân chứng lịch sử, sau đó, thống nhất chọn đặt ở cửa số 3 Sân Vận động Tự Do (ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu - Dương Văn An, Huế).

Đây là nơi gắn với các trận đánh có sự tham gia của Tiểu đội nữ du kích Thành đội Huế (Tiểu đội 11 cô gái sông Hương), do đó, khi dựng bia tưởng niệm sẽ có ý nghĩa về lịch sử và phát huy giá trị giáo dục truyền thống.

Qua những dịp kỷ niệm 30, 40, 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968, bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương đã trở thành địa điểm gần gũi, quen thuộc, là nơi giáo dục truyền thống, dâng hương, dâng hoa tri ân, tưởng niệm của các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, các tổ chức, cơ quan ban ngành trên địa bàn.

Được biết, cuối tháng 7 vừa qua, thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Bảo tàng Lịch sử TT-Huế tiến hành di dời bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương, đặt tại phường Phú Hội về bảo quản tại cơ quan này.

Qua trao đổi với báo chí, bà Hoàng Thị Nở, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - thành viên Tiểu đội 11 cô gái sông Hương, tỏ ra hết sức bất ngờ và không hề hay biết việc di dời bia.

Bà Nở cho hay, khu vực đặt bia năm 1997 từng là nơi năm xưa Tiểu đội 11 cô gái sông Hương của bà đã chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Còn khu vực bia chiến công mới xây dựng tại phường Vỹ Dạ, bên kia sông Như Ý, chỉ là điểm ghi nhớ, không gắn với sự kiện lịch sử của các trận đánh Mậu Thân của tiểu đội nêu trên.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương vinh dự được Bác Hồ gửi thơ khen: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường. Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường. Bác khen các cháu dân quân gái. Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Bài thơ khen này sau đó đã được khắc lên tấm bia tưởng niệm11 cô gái sông Hương mà nay đã bị di dời, cất kho.

Được biết, ngày 9/2/2009, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương vinh dự nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng.

MỚI - NÓNG