Bóng đá sẽ mạnh hơn nếu…

Bóng đá sẽ mạnh hơn nếu…
TP - Ngay chương trình thời sự của Đài Truyền hình Trung ương phát lúc 19h00 ngày 12/4 (chương trình thể thao), chúng tôi đã nghe vụ ẩu đả giữa cổ động viên Hải Phòng với dân địa phương thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Bóng đá sẽ mạnh hơn nếu… ảnh 1
Lực lượng cảnh sát hướng dẫn cổ động viên tại sân Vinh Ảnh: Minh Thu

Nguyên nhân, cổ động viên Hải Phòng không chịu mua vé đường bộ tại trạm kiểm soát Hoàng Mai- Huyện Quỳnh Lưu mà lại quậy phá, đập vỡ kính của trạm, buộc công an Diễn Châu phải cho dừng xe để kiểm soát sau khi được thông báo từ Quỳnh Lưu và phát hiện pháo sáng, hung khí trên xe… và cho đến nay báo chí, đài truyền hình (VTC) liên tiếp đưa tin về sự việc này.

Ngày 16/4, trên báo Bóng Đá có bài “BTC sân không thực hiện cam kết/Bài CĐV Hải Phòng chào Thành Vinh” và báo Tiền Phong có bài Hải Phòng gửi đơn tố cáo lên VFF, và một số báo khác cũng có bài tương tự…

Tôi là một công dân sống ở Hà Nội. Tôi chỉ được nghe tin qua truyền hình, qua báo chí và tôi thấy có phần khó hiểu và xin được phép nêu một vài ý kiến của cá nhân tôi với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) như sau:

Sân vận động Vinh cách nơi xẩy ra sự vụ 50 km, như vậy có thuộc quyền quản lý của ban tổ chức sân không? Tôi nghĩ là không bởi ngay cả trong thành phố Vinh anh cũng không thể quản lý nổi.

Nếu có, tại sao trước đây khi có những trận đấu của đội tuyển quốc gia, cổ động viên ăn mừng quá khích, đua xe… trong thành phố (gần như cả nước) mà VFF lại không xử mà nó lại thuộc về công an?

Rồi, sau này, nếu một hội cổ động viên nào đó đi cổ động cho đội bóng của mình thi đấu ở một sân nào đó mà cách sân bóng đá trên dưới 50 km mà xẩy ra ẩu đả nhau, liệu VFF có xử?

Ví dụ như trận lượt về giữa Sông Lam và Hải Phòng vào ngày 19/7 tới, nếu có sự việc xảy ra ở Hải Dương hoặc một nơi nào đó cách Hải Phòng 50 km, liệu ban tổ chức Hải Phòng có chịu trách nhiệm và VFF có xử?

Cổ động viên Hải Phòng có cái quyền đặc cách không mua vé cầu đường và đập phá tài sản nhà nước không? Họ có quyền mang pháo sáng vào sân (VFF đã cấm) và tàng trữ hung khí không?

Theo tôi đây không phải là bổn phận của VFF mà thuộc về quy định của pháp luật. Một du côn ở ngoài đường nếu có hung khí mang theo trong người lập tức bị luật pháp xử lý, ở đây là cổ động viên bóng đá mà có hành vi như du côn, sao không để pháp luật xử lý?

Ông Đỗ Đại Dương (GĐĐH CLB XM.Hải Phòng) nói ban tổ chức sân Vinh bắt cổ động viên Hải Phòng đi bộ một km (có báo nói năm km), theo tôi, nhân nào quả nấy. Anh không đập phá ở Hoàng Mai, làm sao có vụ ẩu đả ở Diễn Châu?

Tôi thấy cổ động viên Hải Phòng đi đâu cũng giống như một cơn bão dữ sắp đổ bộ lên đất liền. Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt, địa phương có bão đi qua, rồi nha khí tượng… liên tục thông báo đưa ra các phương án chống đỡ, không khác gì đội bóng Hải Phòng đá ở đâu thì địa phương ở đó sẽ khổ với nhiều phương án chống đỡ.

Trước Sông Lam là Bình Dương và, hôm 15/4, trên báo Bóng Đá cũng có bài ban tổ chức sân Sài Gòn chuẩn bị đón cổ động viên Hải Phòng… Bóng đá phải có khán giả nhưng khán giả như cổ động viên Hải Phòng không đến sân, không ai nói ra, sân nào cũng sẽ rất vui.

Bóng đá nói riêng, thể thao nói chung là làm cho con người vui, khỏe, trẻ và quên đi những mệt nhọc của công việc và nó cũng có tác dụng làm hòa khí giữa con người với con người, giữa nước này với nước khác, quên đi những hận thù mà sống vui vẻ, chan hòa với nhau.

Ở Việt Nam ta có vẻ ngược lại quy luật đó. Không có vòng đấu nào là không có chuyện. Trên sân hiện nay rất ít người cao tuổi đến sân bởi họ không thể chấp nhận được những lời lẽ tục tĩu, vô văn hóa rót vào tai họ, mặc dù họ rất muốn vui vẻ, giải trí.

Bóng đá có luật riêng, nhưng tất cả đều phải chịu dưới luật pháp của nhà nước. Đã luật pháp sẽ không chừa ai, kể cả cầu thủ đánh nhau. Xử lý, có như vậy mới nghiêm trị được kẻ phá hoại bóng đá nấp bóng cổ động viên của câu lạc bộ nào đó. Tôi tin bóng đá nước nhà sẽ mạnh hơn, văn minh hơn.

 Trần Đức Thuận

(thuantd@hn.vnn.vn)

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.