Bùng nhùng từ thông báo của Thường trực HĐND huyện

Bùng nhùng từ thông báo của Thường trực HĐND huyện
TP- Bản thông báo của Thường trực HĐND huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ một buổi giám sát lấy ý kiến, bị chính người được lấy ý kiến cho rằng hoàn toàn bịa đặt.

Ngày 27/10/1994, UBND tỉnh Hà Tây (cũ), ra quyết định giao 2.240 m2 mặt hồ thuộc địa phận hai xã Đại Xuyên, Phúc Tiến cho Hạt 5 (Cty Cổ phần Quẩn lý & Xây dựng Công trình giao thông 236) xây dựng trụ sở, kho bãi để vật tư, xe máy phục vụ thi công Quốc lộ 1A.

Hạt 5 triển khai san lấp mặt bằng diện tích đất nhưng gặp khó khăn do một số hộ dân xã Phúc Tiến cản trở, lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên phần đất của Hạt. Hơn mười năm nay, Hạt 5 liên tục gửi kiến nghị tới xã, huyện đề nghị cưỡng chế nhưng không thành.

Được giao đất, nhưng không có mặt bằng, Hạt 5 phải thuê đất hành lang từ đó đến giờ, làm điểm tập kết vật liệu phục vụ thi công Quốc lộ 1A.

Ngày 24/4, tại UBND xã Phúc Tiến, Thường trực HĐND huyện Phú Xuyên thực hiện đợt giám sát lấy ý kiến của hai xã Đại Xuyên, Phúc Tiến và Cty 236 về việc sử dụng đất của Hạt 5.

Đến ngày 3/5, Thường trực HĐND huyện Phú Xuyên ra thông báo số 21, ghi ý kiến của Hạt phó Hạt 5 Nguyễn Văn Tuân (thông báo ghi thành “Phó Giám đốc Cty”): “Do một số điều kiện khó khăn… nên Cty không có nhu cầu sử dụng diện tích đất trên và xin trả lại địa phương, đề nghị hai xã hoàn trả số kinh phí mà Cty đã đền bù…”, sau đó Thường trực HĐND huyện: “Đề nghị UBND huyện căn cứ vào tình hình thực tế của Cty 236 không có nhu cầu sử dụng diện tích 2.240 m2 đất.

UBND huyện Phú Xuyên giao cho cơ quan chuyên môn làm văn bản thu hồi đất theo quy định của pháp luật và phối hợp với Cty 236 tính toán, xem xét hoàn trả Cty số kinh phí đã đền bù cho hai xã trước khi nhận diện tích giao.

Số diện tích đất thu hồi đề nghị UBND huyện có kế hoạch quản lý, sử dụng hiệu quả và đảm bảo đúng Luật Đất đai. Trên đây là nội dung chủ yếu tổng hợp trong đợt giám sát tại hai xã và Cty 236…”

Nhận bản thông báo trên, ông Nguyễn Văn Tuân lập tức viết đơn kiến nghị gửi huyện ủy Phú Xuyên trình bày rằng, ông không ký vào biên bản hội nghị, cũng không phát biểu ý kiến nào giống nội dung trong thông báo. Trao đổi với phóng viên, ông Tuân cho biết, sẵn sàng đứng ra đối chứng việc này.

Làm việc với báo chí, lãnh đạo HĐND huyện Phú Xuyên cho rằng: “Luật cho phép chức năng của HĐND không cần phải ký vào biên bản…”. Bởi vậy, buổi giám sát lấy ý kiến của ba đơn vị là Hạt 5, xã Đại Xuyên và xã Phúc Tiến không có biên  bản làm việc.

Không rõ, Thường trực HĐND huyện căn cứ vào đâu để ký thông báo gửi HĐND TP Hà Nội, Huyện ủy Phú Xuyên khi người được mời tham gia lấy ý kiến lại khẳng định bản thông báo có những nội dung bịa đặt.

UBND xã Đại Xuyên, sau khi nhận thông báo của Thường trực HĐND huyện Phú Xuyên, có Báo cáo số 31 gửi Bí thư thành ủy Hà Nội: “UBND xã Đại Xuyên kính đề nghị UBND huyện Phú Xuyên, UBND TP Hà Nội cho hướng chỉ đạo tổ chức cưỡng chế các hộ dân vi phạm trên phần đất của Hạt 5, giải quyết dứt điểm giữa đơn vị Hạt 5 và hai xã theo quy định của Nhà nước”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.