Cả bốn chị em đều có người nhận đỡ đầu

Cả bốn chị em đều có người nhận đỡ đầu
TP - Sau khi bài “Bán tóc đi học” đăng trên Tiền Phong, ngày 23/5/2009, bạn đọc gần xa liên tục gửi thư và quà động viên các em vượt khó đến trường.
Cả bốn chị em đều có người nhận đỡ đầu ảnh 1

Nước mắt tuyệt vọng những ngày chưa tìm ra lối thoát của mẹ con chị Nguyệt, nay đã được chia sẻ bởi những tấm lòng thơm thảo  - Ảnh: V.H

Thầy Nguyễn Hoàng Long (giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Thái Bình) gửi giúp 400 ngàn đồng; anh Nguyễn Xuân Dục (Cty Cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội) một triệu đồng; anh Lê Văn Hải (Lớp KM22, Học viện Hải quân Nha Trang) 500 ngàn đồng; bác sĩ Đặng Thế Hạnh (Viện bỏng Quốc gia – Hà Nội) hai triệu đồng; anh Nguyễn Quốc Đang (HT 2AN – 769 Sóc Sơn, Hà Nội) 50 ngàn đồng; anh Ngô Ngọc Quang (tổ 4, phường Quang Trung, Phủ Lý, Hà Nam) 20 ngàn đồng.

Hàng trăm chiến sĩ, giáo viên, học sinh cũng viết thư chia sẻ động viên và gửi sách vở cho các em.

Đặc biệt, gia đình vợ chồng bác sĩ Đặng Thế Hạnh - Lưu Thị Bích Thủy (Viện bỏng Quốc gia) nhận nuôi hai chị em Đặng Thị Thu Thắm (lớp 10) và Đặng Tấn Tài (lớp 7) cho đến hết đại học. Hiện, các em đã được chuyển trường ra Hà Nội nhập học, ăn ở trong nhà hai bác.

Còn chị cả Đặng Thị Thu Trang, đang học năm hai, trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM được TS Lê Mạnh Hà (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Tích Hương nhận nuôi đỡ đầu tại nhà cho đến khi ra trường có việc làm.

Em Đặng Thị Thanh Truyền, cũng có một cá nhân (xin giấu tên) nhận đỡ đầu sau khi em vừa thi đỗ một trường đại học tại TPHCM, cung cấp tiền ăn, học cho đến khi em Truyền ra trường và giới thiệu việc làm.

Cảm động trước những tấm lòng thơm thảo của bạn đọc, chị Nguyễn Thị Nguyệt đến văn phòng Báo Tiền Phong tại Bình Định: “Cảm ơn những tấm lòng vàng của bạn đọc, của Báo Tiền Phong đã giúp đỡ các con của tôi. Ơn nghĩa cao quý này suốt đời gia đình chúng tôi mang theo”.

Bài “Bán tóc đi học” kể về hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) bỗng chốc cùng quẫn vì chồng chết, tôm nuôi bị dịch bệnh phá sản, nợ chồng chất. Cả nhà lâm cảnh gạo không có ăn, năm mẹ con thi nhau tìm đủ đường mưu sinh.

Đứng trước nguy cơ thất học, cả bốn đứa con chị Nguyệt, cậu út mới học lớp 6, cũng làm nghề gia sư, kiếm củ khoai củ sắn, còn ba chị gái âm thầm nuôi mái tóc đen óng của mình để đầu năm học bán thêm tiền mua sách vở...

MỚI - NÓNG