Cà Mau: Ghe xuồng đang lo 'mắc cạn'

Cà Mau: Ghe xuồng đang lo 'mắc cạn'
TP - Hàng triệu phương tiện đường thủy nội địa đang có nguy cơ “mắc cạn” trên sông nước vùng ĐBSCL, mà đặc biệt là Cà Mau, bởi người dân không đủ tiền, thời gian và sức lực lo học lấy chứng chỉ chuyên môn và đăng ký, đăng kiểm phương tiện.

Hội trường UBND xã Khánh Hưng (Trần Văn Thời) được tận dụng mở các lớp dạy học để thi cấp chứng chỉ chuyên môn (CCCM) điều khiển phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ). Xã này có 1.650 phương tiện nhưng chỉ có 234 người đăng ký học vì tốn kém.

Một người học CCCM phải tốn học phí 200.000 đồng/ngày, lệ phí thi 20.000 đồng, mua hồ sơ 5.000 đồng, khám sức khỏe 35.000 đồng, chụp ảnh 15.000 đồng… Chưa kể chi phí đi về, ăn uống ít nhất 3 ngày.

Ông Nguyễn Minh Luân, ở ấp Nhà Máy, xã Khánh Hưng thắc mắc: “Trước đây, tôi tốn mấy trăm ngàn đồng để học lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện gia dụng nhưng chỉ sử dụng được hơn một năm”.

Ông Nguyễn Văn Đây ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng (huyện Cái Nước) bức xúc: “Cách đây hơn 2 năm, tôi học lấy CCCM điều khiển phương tiện gia dụng tốn bạc triệu.

Ngoài các khoản học phí, chính quyền còn truy thu lao động công ích, xây dựng cơ sở hạ tầng… Máy vỏ là phương tiện đi lại của gia đình vùng sông nước, trước đây gọi phương tiện đường thủy gia dụng nay gọi là phương tiện đường thủy nội địa, thay tên là phải cấp giấy, đăng ký, đăng kiểm lại, tốn đủ thứ.

Than thở

Ngoài lo học để lấy CCCM, chủ phương tiện còn phải tốn tiền để đăng kiểm, đăng ký phương tiện gồm nộp lệ phí 120.000 đồng/phương tiện, 2 tấm ảnh chụp mạn phải vỏ, hóa đơn mua phương tiện, biên lai thuế trước bạ.

Ông Phạm Ngọc Giàu ở ấp Tân Trung, xã Tân Hưng (Cái Nước) có chiếc vỏ lãi bằng gỗ và chiếc máy đuôi tôm hiệu Honda 5.5 nói: “Tôi mua vỏ, máy khoảng 8 triệu đồng, xài cũ rồi, còn đáng giá vài ba triệu. Giờ không có hóa đơn mua máy, không có giấy tờ đóng vỏ của trại mộc, phải làm đơn để UBND xã Tân Hưng xác nhận. Đến Chi cục Thuế Cái Nước đóng trước bạ, cán bộ thuế định giá 10 triệu đồng! Tôi xin bán luôn 4 triệu đồng cho cán bộ thuế nhưng họ không trả lời”.

Thời gian làm thủ tục giấy tờ có liên quan đến đăng kiểm, đăng ký phương tiện có thể mất hàng tháng. Ông Huỳnh Văn Tui, ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân (Ngọc Hiển) than trời: “Tôi chạy máy từ nhà lên TP Cà Mau để đăng kiểm, đăng ký chiếc vỏ máy 120 cây số tốn hơn chục lít xăng, mất 3 ngày đi về. Bà con ở Ngọc Hiển với vài chục ngàn phương tiện thì tốn bao nhiêu? Sao ngành GT-VT không xuống tận nơi dạy cho bà con học tập, cấp luôn giấy tờ theo qui định”.

Nhưng Phòng đăng kiểm thuộc Sở GT-VT Cà Mau, nơi duy nhất có chức năng đăng kiểm, đăng ký PTĐTNĐ mới thành lập chỉ có vài cán bộ với 4 chiếc bàn.

Ông Nguyễn Văn Tạo, GĐ Sở GT-VT Cà Mau cũng bức xúc: “Chúng tôi đang ngồi trên đống lửa với gần trăm ngàn PTĐTNĐ. Nếu không làm tốt, làm sớm thì bà con sẽ gặp khó khăn”.

MỚI - NÓNG