Cả ngàn hộ dân phải mua nước qua trung gian

Cả ngàn hộ dân phải mua nước qua trung gian
TP - Hàng ngàn hộ dân tại quận Hà Đông, Hà Nội, nhiều năm qua phải mua nước sạch sử dụng sinh hoạt qua trung gian, không được mua trực tiếp từ Cty TNHH nhà nước MTV Nước sạch Hà Đông.

Gần 1.000 người 'sống như ở vùng cao' giữa Thủ đô

Chuyện lạ hơn là khoảng 260 hộ dân tại khu đô thị Văn Khê có thể sẽ phải mua nước qua trung gian đến... hết đời.

Gia đình bác Diệu - P1807 - CT1 Văn Khê nhiều năm phải dùng nước sạch giá cao. ảnh: Minh Tuấn
Gia đình bác Diệu - P1807 - CT1 Văn Khê nhiều năm phải dùng nước sạch giá cao. ảnh: Minh Tuấn.

Ông Lê Huy Diệu trú tại phòng 1807 CT1 Văn Khê cho biết, kể từ khi bàn giao căn hộ cho người dân từ tháng 9/2010 đến nay, 259 hộ gia đình tại khu nhà đều phải mua nước sạch qua trung gian là Cty CP Sông Đà 1.01 mà không được ký hợp đồng mua nước trực tiếp với Cty Nước sạch Hà Đông. Cũng theo ông Diệu, ngay cả khi giá nước chưa tăng, cách đây 1 năm các hộ dân đã phải mua với giá 5.900 đồng/m3.

Một số sinh viên thuê nhà trọ khu vực Hà Đông phản ánh, thông thường chủ nhà trọ thu khoảng 10-15 ngàn đồng/m3 nước hoặc khoán “vo” theo tháng. Toàn bộ việc đo đếm do chủ nhà trọ quyết định.

Lý giải việc này đại diện Cty CP Sông Đà 1.01 cho rằng Cty Nước sạch Hà Đông không chấp nhận bán nước cho 260 hộ lắp đồng hồ nước trong khu vệ sinh, trong khi theo quy định họ phải lắp đồng hồ nước ở nơi nhân viên thu tiền nước có thể nhìn thấy và kiểm tra được. T

heo Cty CP Sông Đà 1.01, doanh nghiệp này đứng ra mua nước của Cty Nước sạch Hà Đông theo giá nước sinh hoạt 3 có giá hiện nay là gần 7.000 đồng/m3, không tính lũy tiến.

“Đúng là người dân phải chịu thiệt do không được tính lũy tiến mà chỉ tính theo một giá. 1m3 hay 100m3 cũng tính theo giá sinh hoạt 3. Chúng tôi mua sao thì bán lại như vậy” - đại diện chủ đầu tư toà nhà lý giải.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lại Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Cty Nước sạch Hà Đông cho biết, hiện nay riêng tại quận này đang còn tới 7 khu chung cư cao tầng phải mua nước qua trung gian với khoảng 1.500 hộ.

Nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư sau khi xây dựng căn hộ để bán vẫn muốn duy trì quyền quản lý của mình tại đây kiêm luôn việc cung cấp nước sạch và không muốn bàn giao việc bán nước sạch trực tiếp cho người dân.

Đối với toà nhà CT1 Văn Khê, nguyên nhân không bán được nước trực tiếp vì đồng hồ đo nước chủ đầu tư lắp đặt vào khu vệ sinh của mỗi căn hộ, sai quy định của ngành nước.

Ông Lại Văn Thịnh cho rằng bản thân Công ty nước sạch Hà Đông cũng rất khó giải quyết với các trường hợp mà chủ đầu tư cố tình không muốn bàn giao hoặc việc lắp đặt hệ thống kỹ thuật sai quy định, không đảm bảo chất lượng.

“Công ty là đơn vị làm dịch vụ không có thẩm quyền cưỡng chế đối với trường hợp này. Các hộ dân phải đấu tranh với chủ đầu tư về việc lắp đồng hồ đo sai quy định. Nếu chủ đầu tư cứ trốn tránh, thì chúng tôi cũng không có cơ chế để can thiệp” - ông Thịnh nói.

Một khó khăn khác đó là trường hợp chủ đầu tư đã xây nhà bán xong cho người mua nên cũng tìm cách phủi trách nhiệm liên quan đến các thiết bị về điện, nước..

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG