'Cái lý' của xóm tiết kiệm điện

'Cái lý' của xóm tiết kiệm điện
TP - Nếu có dịp đến hai tổ dân phố 4 và 5 khu phố Tân An phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vào một tối thứ Năm hàng tuần, mọi người sẽ thấy bốn bề tối om. Cứ tưởng nơi đây bị mất điện, nhưng không phải vậy, chính những hộ dân khu vực này tự nguyện cam kết cúp tất cả các thiết bị điện trong một giờ vào tối thứ Năm.

> Phát động cuộc thi viết Tiết kiệm điện
> Con đường ánh sáng

Giờ vàng tiết kiệm điện

“Một giờ vàng tiết kiệm điện làm theo lời Bác” là mô hình do Đoàn phường Tân Đông Hiệp phát động, từ tháng 11/2012 đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân hai tổ 4 và 5. Bí thư Đoàn phường Tân Đông Hiệp, anh Bùi Thanh Tài chia sẻ: “Tiết kiệm điện năng, nhất là thời gian cao điểm nắng nóng, khi cả miền Nam “khát” điện là một việc rất ý nghĩa và cần thiết nên Đoàn phường nảy ra ý tưởng giờ vàng tiết kiệm điện”.

Tháng 11/ 2012, một “hội nghị bàn tròn” bàn về mô hình “một giờ vàng tiết kiệm điện” của dân cư hai khu phố được tiến hành. Lúc đầu nhiều bà con lo ngại vì sợ ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt. Nhưng những lo ngại đó được chính bà con trong khu phố giải tỏa với tinh thần quyết tâm hưởng ứng “một giờ vàng” tới cùng. “Mừng ghê, lúc đầu tưởng tượng phải vấp phải nhiều thứ khó lắm, ai dè chính bà con tự đứng ra hỗ trợ tuyên truyền phụ mình. Dường như ý thức tiết kiệm điện đã có sẵn trong máu bà con, lâu nay chỉ thiếu một tiếng nói, một đơn vị tiên phong phát động để ngọn lửa ấy bùng phát’’- anh Tài chia sẻ.

Nói là làm, bà con tự động tắt điện từ 20h30 tới 21h30 mỗi tuần 1 lần đều đặn như cơm bữa. “Ban đầu tui cũng lo lắm, sau thấy bà con tự nhắc nhau rằng “cả khu phố cùng hưởng ứng phong trào ý nghĩa, cùng tắt vì môi trường, chẳng lẽ nhà mình “sáng lạc loài” sao mà coi cho được” thì tôi lấy làm an tâm”- cô Nguyễn Thị Bé Ba - Phó Bí thư chi bộ khu phố Tân An tâm sự. Nhà cô luôn đi đầu trong tiết kiệm điện năng, cô ráo riết lắm, thay bóng đèn compact, xài máy quạt hơi nước thay vì dùng máy lạnh trong mùa nóng. Rồi sợ tính hay quên, các khẩu hiệu như “nhớ tắt điện” được cô Ba dán khắp nhà như lời nhắc nhở… nên tiếng nói cô có uy với bà con lắm.

Cô Nguyễn Thị Bé Ba, phó Bí thư chi bộ khu phố Tân An, “người truyền lửa” cho phong trào tích cực
Cô Nguyễn Thị Bé Ba, phó Bí thư chi bộ khu phố Tân An, “người truyền lửa” cho phong trào tích cực.

Cô Ba cũng cho biết, mỗi đoàn viên, đảng viên trong nhà là nòng cốt về tư tưởng, vận động gia đình mình tham gia, riết rồi thành nếp lúc nào không hay. Thời gian đầu cô “tỉ tê” với các đảng viên, rồi thanh niên về vai trò chủ lực của họ để phong trào thực sự đi sâu vào cuộc sống. Những ai đã cam kết mà thiếu quyết tâm thực hiện, cô thẳng thắn nhắc nhở ngay. Cứ thế, những hành động tiết kiệm điện của bà con hai khu phố trở thành thói quen hằng ngày từ lúc nào không hay. “Cái chính là phong trào này mang lại hiệu quả trực tiếp cho mỗi gia đình, tiết kiệm tiền điện thấy rõ, lợi quá chừng, ai mà không thích”-cô Ba nói. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng, một giờ tiết kiệm sẽ nhân thành nhiều giờ tiết kiệm”.

Hơn nửa năm qua, “giờ vàng tiết kiệm điện” đã thực sự đã đi vào nếp sinh hoạt thường nhật của các gia đình ở hai tổ dân phố 4 và 5. “Có đợt điện lực tham gia đối chiếu, thấy rõ rệt tiền điện của hai tổ giảm từ 7-9% so với trước đó, mặc dù trong mùa cao điểm nắng nóng. Con số tuy không lớn nhưng là tín hiệu vui, khích lệ chúng tôi mạnh dạn nhân rộng mô hình này”- anh Tài nói.

Lợi cả đôi đường

 Cô Nguyễn Thị Bạch Phượng, tổ 4, Khu phố Tân An, hưởng ứng nhiệt tình phong trào tiết kiệm điện
Cô Nguyễn Thị Bạch Phượng, tổ 4, Khu phố Tân An, hưởng ứng nhiệt tình phong trào tiết kiệm điện.
 

Gia đình cô Nguyễn Thị Bạch Phượng, 51 tuổi, khu phố 4 “nghiện” mô hình này đến nỗi toàn thực hiện “vượt chỉ tiêu”. “Đâu cần chờ đến tối thứ năm, mà hầu như mỗi ngày, cả nhà tranh thủ cơm nước sớm, cậu con trai lớp 11 cũng thu xếp bài vở từ sớm, bảy rưỡi là nhà tắt điện, cô tranh thủ đi dạo tập thể dục, con trai thì tập thể lực. Vừa rèn sức khỏe lại tiết kiệm điện, lợi cả đôi đường” - cô hào hứng kể, đồng thời nhớ lại trước đây buổi tối cả nhà ngồi xem ti vi, máy lạnh bật phà phà và cuối tháng chóng mặt với biên lai thu tiền điện.

Tuy nhiên, theo cô Phượng, trước khi áp dụng chính sách tiết kiệm điện, cô cũng phải làm công tác tư tưởng với cả nhà để cùng nhất trí, đồng lòng thực hiện. Cả nhà bây giờ tập trung gần nhau, sinh hoạt chung một phòng thay vì mỗi người ôm một tivi như trước kia. Quạt trần cũng thay bởi quạt tường, vừa mát vừa lợi điện, nhiều hôm cả nhà trải chiếu dưới sàn, ngủ chung, xài chung cái quạt mà vẫn mát rượi, tình cảm gia đình lại càng thân thiết, chia sẻ được nhiều hơn. “Không có cái chi vui bằng cầm hóa đơn tiền điện giảm đi gần 1/3, trước hơn cả 500 ngàn, giờ còn chưa tới 400 mỗi tháng đâu”, cô Phượng cười.

Cũng theo cô Phượng, chẳng khó để sắp xếp công việc hay sinh hoạt để tiết kiệm điện tối đa, ai cũng có thể làm được, cái chính là có ý thức và quyết tâm thay đổi thói quen. Với gia đình cô Phượng, tiết kiệm điện hình như giờ đã “ăn vô máu” mất rồi. Cô kể: “Có bữa chồng về, thấy nhà tối hùi, mình đang tập thể dục trước sân, ảnh bảo “trời ơi, em nhiễm bệnh tiết kiệm điện rồi”.

Không chỉ với người lớn, ý thức tiết kiệm điện còn ngấm cả vào trẻ em. Cô Ba kể, có cậu bé hàng xóm, một hôm nhác thấy cô từ cửa đã chạy ra “nhắc nhở”: “Bác Ba tối nay nhớ tắt điện tiếp đấy nha, nhà cháu hôm nay cũng tắt”. Theo cô Ba, chính việc làm của người lớn đã tác động trực tiếp đến hành vi con trẻ, điều đó sẽ quyết định một thế hệ sinh ra với ý thức tiết kiệm điện năng tự nhiên như hơi thở chứ chẳng cần những bài thuyết giảng giáo điều. “Điều trẻ con học được nhiều nhất chính từ những hành động thiết thực như thế của người lớn”- cô Ba nói.

Gia đình chị Lê Thị Nhung, tổ 5, hai vợ chồng đều là công nhân, thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. nhất là trong giai đoạn hiện nay, nên gia đình hưởng ứng ngay ngày đầu ra quân, chẳng cần chờ đến thứ năm thứ bảy, ráo riết tiết kiệm để trang trải sinh hoạt. Khoảng tiền tiết kiệm hơn 100.000 ngàn tiền điện mỗi tháng là phần thưởng khá lớn so với thu nhập gia đình. “nhà tôi sẽ tham gia hoài luôn, kể cả khi phong trào có kết thúc, tôi sẽ vẫn theo đuổi để giảm tải cho chính gia đình mình, cho xã hội”- chị Nhung nói.

Không chỉ gia đình có thu nhập thấp, nhiều gia đình thu nhập cao, có sản xuất kinh doanh và tiêu thụ khối lượng điện lớn cũng hào hứng hưởng ứng tiết kiệm như nhà chú Hùng làm khung cửa sắt hay nhà cô Huệ máy cám cò.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG