Cần thận trọng khi đưa ra giải pháp

Cần thận trọng khi đưa ra giải pháp
TP - Dự án Nâng cao năng lực giao thông Hà Nội giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2004 với việc tổ chức lại giao thông tại một loạt nút giao trên các tuyến đường quan trọng như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…
Cần thận trọng khi đưa ra giải pháp ảnh 1
Xén hè tại phố Chùa Bộc đúng vị trí hàng cây... 
Ảnh: Bùi Văn Kiên

Đặc biệt, đường Nguyễn Trãi đã được nâng cấp, lắp đèn tín hiệu ở tất cả các nút giao và thiết kế đường ưu tiên dành cho xe buýt. Sau hơn hai năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của dự án đã xuống cấp trầm trọng hoặc không còn tác dụng.

Đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại đường Nguyễn Trãi không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng. Trong các giờ cao điểm, do đèn tín hiệu không hoạt động nên nếu không có từ 2 đến 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông hướng dẫn, các nút giao cắt lập tức trở nên hỗn loạn.

Các hạng mục khác như dải phân cách trên đường Lê Duẩn sau mấy tháng lắp đặt buộc phải di dời; hầm dành cho người đi bộ nút Ngã Tư Vọng làm xong mới phát hiện sẽ rơi vào lòng đường giai đoạn 2 của dự án nên buộc phải bít cửa,…

Trên đây chỉ là một số ví dụ cho thấy: Những giải pháp không đạt hiệu quả như mong muốn bắt nguồn từ sự thiếu khoa học và cơ sở pháp lý khi triển khai. Đầu tư không hiệu quả không chỉ gây lãng phí lớn về mặt tiền bạc, mà còn là căn nguyên để tai nạn và ùn tắc giao thông ở Hà Nội trở thành “bệnh kinh niên”.

Bạn đọc có thể gửi bài viết về địa chỉ: Báo Tiền phong - 15 Hồ Xuân Hương - Hà Nội, hoặc

Email: hotline@baotienphong.com.vn; atgiaothong@gmail.com.

Toàn bộ nội dung cuộc thi có trên www.tienphongonline.com.vn

Gần đây, tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông ở Hà Nội trở nên bức xúc, thậm chí là trầm trọng. Nhiều giải pháp mới được chính quyền đưa ra. Chỉ sau gần một tháng, những công việc đầu tiên đã được triển khai, nhưng liệu những giải pháp ấy có thực sự khả thi?

Việc đầu tiên các cấp chính quyền tiến hành là cấm rẽ phải  khi đèn đỏ ở tất cả các nút giao cắt. Sau một vài ngày áp dụng, tình trạng ùn tắc trở lại trên nhiều tuyến đường quan trọng như Lê Duẩn, Chùa Bộc, Yết Kiêu…

Đặc biệt, phố Phạm Ngọc Thạch đã bị ùn tắc kéo dài trong hai ngày cấm rẽ buộc chính quyền phải lắp lại biển cho phép rẽ phải tại nút giao cắt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc.

Việc xén hè đường cũng được tiến hành quyết liệt tại đường Đại Cồ Việt và phố Chùa Bộc. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên xén hè phố Chùa Bộc, sự bất hợp lý đã lộ ra khi phần hè bị xén lại đúng vào vị trí hàng cây và cột đèn chiếu sáng được thiết kế từ mấy năm trước.

Bởi vậy, việc xén hè đường không những không tạo nên điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông của xe cộ mà còn tạo ra những nguy cơ tiềm tàng cho tai nạn giao thông. Còn nếu hạ hết cây, phố Chùa Bộc sẽ trở thành phố “trọc”.

Biện pháp hạn chế xe taxi, tuy chưa được áp dụng nhưng cũng đã có nhiều ý kiến quan ngại của những người làm chính sách. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Quản lý kinh tế Trung ương, việc đặt ra quy định hãng taxi phải có trên 100 xe mới được hoạt động là đề xuất vừa sai luật, vừa không khả thi và còn làm khó cho doanh nghiệp và người dân.

Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có phóng  sự cho thấy các hãng taxi đã sẵn sàng các biện pháp đối phó nếu Hà Nội đưa ra quy định “chéo ngoe” này.

Các biện pháp khác như tăng thời gian tạm  giữ xe, xây dựng cầu bộ hành, cấm xe mô tô trên một số tuyến phố… cũng đều có những điểm bất hợp lý hoặc lợi bất cập hại.

Đã đến lúc chính quyền thành phố Hà Nội cần nghiêm túc xem lại vấn đề quy hoạch tổng thể giao thông Hà Nội. Trong quy hoạch ấy, các yếu tố như hạ tầng giao thông đô thị, tỷ lệ tăng dân số, phân bố dân cư… cần phải được tính đến.

Giải pháp tổng thể cho bài toán giao thông Hà Nội cần được xây dựng trên cơ sở những điều tra xã hội học, những công trình nghiên cứu chuyên ngành chính xác để đảm bảo tính thực tiễn cao.

Nếu các cấp chính quyền không tự làm được, hãy đặt hàng để các nhà nghiên cứu, những chuyên gia  giàu kinh nghiệm thực hiện. Chi phí nghiên cứu chắc chắn sẽ ít hơn nhiều so với lãng phí khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông không có nhiều tác dụng.

Bùi Văn Kiên (Hà Nội)

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.