Cặp vợ chồng nghèo và hai đứa con tật nguyền

Cặp vợ chồng nghèo và hai đứa con tật nguyền
TP- Vợ chồng anh Đặng Hữu Nghị (1977) và chị Đoàn Thị Viềng (1979) ở khu vực 7, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Thọ) tỉnh Thừa Thiên Huế đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Cưới nhau năm 2003, đôi vợ chồng trẻ vay ngân hàng 5 triệu đồng hăm hở lên vùng kinh tế mới ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) lập nghiệp.

Một năm sau, cháu Đặng Hữu Toàn - đứa con đầu lòng chào đời, nhưng chỉ bằng 1/3 những đứa trẻ sơ sinh khác.

Người hộ sinh bảo rằng đây là trường hợp đầu tiên mà ông gặp trong suốt hơn 15 năm làm “bà đỡ”, và chỉ biết an ủi với cha mẹ cháu bé rằng “nuôi lâu cũng lớn”! Đôi vợ chồng bám vào cái hy vọng mong manh đó, nhưng nuôi mãi mà đứa bé vẫn còi cọc.

Tai họa tiếp tục giáng xuống gia đình chị khi chị Viềng bị hai khối u ở cổ và ngực hành hạ với những cơn đau dai dẳng. Khi không thể chịu đựng nổi những cơn đau, chị mới chịu đến bệnh viện với nỗi lo canh cánh, vì “đi bệnh viện là phải tốn tiền, mình còn ráng chịu được thì cố gắng để lấy tiền đó mua sữa cho con”.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin liên hệ theo địa chỉ: Chị Đoàn Thị Viềng, khu vực 7, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hoặc Ban bạn đọc báo Tiền phong – 15 Hồ Xuân Hương – Hà Nội.

Anh Nghị vò đầu bứt tóc không biết xoay xở đâu ra gần 3 triệu đồng phí phẫu thuật vì căn bệnh bướu cổ ác tính của chị Viềng không thể để lâu hơn nữa.

Trong cơn khốn cùng, anh đành phải bán đi căn nhà và toàn bộ gia sản để chữa bệnh cho vợ.

“Tui ôm đứa con nhỏ ngồi co ro trong góc bệnh viện khẩn cầu trời đất cho vợ được tai qua nạn khỏi. Tội cho thằng bé không có hơi mẹ cứ khóc ngặt nghẽo suốt đêm” -  Anh Nghị rớm nước mắt kể về những tháng ngày cùng cực dù cuộc sống hiện tại cũng chẳng khá hơn.  

Chị Viềng xuất viện, cả gia đình bồng bế nhau về quê ngoại làm thuê làm mướn cho đến bây giờ. Tất cả hy vọng được dồn hết vào đứa con thứ hai khi chị Viềng mang thai. Đầu năm 2006, cháu Đặng Hữu Tùng chào đời, và thật trớ trêu, đứa trẻ sinh ra chẳng khác gì anh nó !

Đứt ruột với con

Mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ hàng xóm vui đùa, chạy nhảy là anh Nghị, chị Viềng lại nhìn nhau ứa nước mắt. Hai đứa con của họ chỉ biết bò lết quanh quẩn góc nhà, khuôn mặt ngô nghê không hiểu được tiếng nói của ba mẹ và người xung quanh.

Thậm chí chúng còn có những cử chỉ lạ thường khiến đôi vợ chồng phải đứt từng khúc ruột: “Cứ để hai đứa lại gần là chúng lại xông vào bứt tóc, cào cấu, đánh nhau như kẻ thù. Còn mấy đứa trẻ trong xóm thấy con tui thì khóc ré lên không dám đến gần” - Chị Viềng đau đớn.

Cuối năm 2006, cháu Tùng được gần 1 tuổi, hai vợ chồng đưa vào điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, gần 3 tháng,  mấy triệu bạc lận lưng đã cạn kiệt mà bệnh tình vẫn không thấy tiến triển. Suốt một năm làm thuê làm mướn, hai vợ chồng chắt chiu được một ít tiền lại tiếp tục chạy chữa cho con.

Lần này, anh chị khăn gói vào tận TPHCM, đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Chợ Rẫy rồi Bệnh viện Từ Dũ nhưng bác sĩ đều lắc đầu khuyên nên đưa con về nhà và bày cách tập đi đứng cho các cháu.

Hai vợ chồng thất vọng ra về mà không biết con mình bị bệnh gì. Cháu Toàn đã 4 tuổi mà chỉ nặng 7kg, cao 60cm; cháu Tùng nặng 4,5kg, cao 45cm. “Tui đã 4 lần hiến máu có thấy bác sĩ nói chi mô, vợ tui cũng xét nghiệm máu bình thường” - Anh Nghị băn khoăn.

Đến thăm gia đình anh chị, vào một ngày cuối tháng 7 trong căn nhà hơn chục mét vuông, hai vợ chồng bồng hai đứa con khóc ngặt nghẽo đi tới đi lui dỗ dành, cái nắng từ trên mái tôn thủng lỗ chỗ rọi xuống nóng hầm.

Chị Viềng múc từng muỗng nước cơm cố gắng đổ vào miệng con mà nước mắt lưng tròng: “Hai đứa ăn không được, chỉ uống sữa nhưng mấy bữa nay anh Nghị bị cảm không đi làm.

Tui cũng đã mua chịu mấy trăm ngàn chưa trả nên không mua nợ được nữa đành phải lấy nước cơm thay sữa. Tụi nó thèm sữa nên cứ khóc hoài”. Uống hết bát nước cơm, hai đứa nhỏ thôi khóc, anh Nghị tiếp khách ở bậc cửa nhường chiếc giường độc nhất để vợ ấp con ngủ.

Nhìn căn nhà xập xệ chẳng có gì đáng giá anh thở dài: “Bao nhiêu tiền đã đổ hết vào hai đứa con, hôm trước ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ nhưng không biết làm sao trả nổi bây giờ”.

MỚI - NÓNG