'Cát tặc' rầm rộ trở lại: Chính quyền than khó!

Người dân thôn Mai Châu, xã Ðại Mạch xót xa chỉ về nơi đất sạt lở. Ảnh: Trần Hoàng
Người dân thôn Mai Châu, xã Ðại Mạch xót xa chỉ về nơi đất sạt lở. Ảnh: Trần Hoàng
TP - “Cát tặc” ngang nhiên hút cát giữa ban ngày khiến cho hàng nghìn mét vuông đất trồng trọt của người dân bị trôi sông. Thế nhưng, chính quyền có vẻ bất lực trước nạn cát tặc khiến người dân phải tự bảo vệ mình bằng cách canh chừng, ném đá đuổi tàu.

Ghi nhận tại khu vực đất bãi thuộc thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, trên trục đường giao thông duy nhất kết nối những hộ gia đình xóm bãi sinh sống phía ngoài đê là những đụn cát lớn, xe tải ra vào liên tục khiến bụi mù đường.

Cách đó không xa là hàng nghìn mét vuông cây ăn quả của người dân, một bên là cây, một bên là dốc sâu hoắm do sạt lở. Anh Cao Xuân Tiến cho biết, khu đất bãi này là đất trồng cây lâu năm của hơn 20 hộ dân trong thôn. Trồng bưởi diễn, trồng chuối cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người. Thế nhưng vài năm trở lại đây, chủ tàu cát cũng là người dân địa phương liên tục hút cát, khiến một diện tích lớn đất trôi xuống dòng sông, cùng với đó là mồ hôi nước mắt của hàng chục hộ dân.

Bức xúc, các hộ dân đã có đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi, từ xã, huyện, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy… nhưng nếu có dừng thì chỉ 1- 2 tuần sau đó thì đâu lại vào đấy. Đến mức người dân phải tự bảo vệ đất đai của mình bằng cách thay nhau trông, thấy tàu vào cùng hò hét ném đá đuổi tàu. Nhưng được vài bữa thì không có sức mà làm.

Hoạt động hút trộm cát gây sạt lở đất nông nghiệp cũng đang diễn ra rầm rộ tại xã Cẩm Đình và xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ).

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại hai xã này ngay giữa ban ngày thường xuyên xuất hiện 2 tàu hút cát hoạt động, tiếng máy nổ rầm rầm cả một góc sông. Việc hút cát khiến khu vực bãi bồi giữa sông Hồng của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng bất lực?

Ngày 15/10, UBND xã Cẩm Đình có Báo cáo nhanh khẳng định: Từ tháng 6/2018, UBND xã và các ban ngành đoàn thể xã Cẩm Đình đã có nhiều báo cáo gửi lên cấp trên phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép giữa địa phận xã Cẩm Đình và xã Phương Độ. Cấp trên đã vào cuộc làm việc với UBND xã. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các tàu cuốc, tàu hút vẫn hoạt động bình thường và không có dấu hiệu chuyển biến. Báo cáo này cũng chỉ tiếp tục đề nghị huyện có biện pháp xử lý dứt điểm để nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vương Ngọc Chi, Chủ tịch UBND xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) lại cho rằng sạt lở vẫn diễn ra dù không có việc hút cát. Tuy nhiên, ông Chi cũng phải nhìn nhận “việc hút trộm cát khiến cho tốc độ xói lở nhanh hơn”. UBND xã chỉ đạo Công an xã kiểm tra, xử lý bằng nhiều biện pháp, ngay chính ông Chi cũng đã xuống tận nơi để xây cọc bê tông ngăn không cho xe tải to đi ra bãi lấy cát. Nhưng chỉ sau 1 đêm là cọc bê tông bị đập bỏ, còn việc hút cát vẫn diễn ra, chính quyền hết sức vất vả xử lý.

Theo lãnh đạo xã, năm 2017 xã đã có báo cáo Cảnh sát đường sông, Cảnh sát môi trường về xử lý, nhưng đối tượng lái thuyền bỏ chạy, chỉ bắt giữ được ống hút cát. Còn công an đồn Kim Chung thì không có thẩm quyền lên tàu nên rất khó khăn. “Chúng tôi khẳng định không có chuyện chính quyền bao che, bảo kê”, ông Chi nói.

Để giải quyết dứt điểm, UBND huyện lại “đẩy quả bóng trách nhiệm” về phía xã. Cụ thể, UBND huyện cho biết đã có văn bản yêu cầu xã thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép của bà Vương Thị Thanh.

Ðầu tháng 5/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với một số địa phương, trong đó có Hà Nội về xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Theo đó, chỉ tính riêng đợt cao điểm từ tháng 6 đến hết tháng 8 năm 2018, CATP Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ 52 vụ khai thác cát trái phép, tạm giữ 57 phương tiện tàu thuyền và tịch thu hàng nghìn mét khối cát. Mặc dù vậy tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa bàn Hà Nội vẫn không được ngăn chặn triệt để.

MỚI - NÓNG