Cau bạc đầu, nông dân bạc mặt

Cau bạc đầu, nông dân bạc mặt
TP - Hàng năm cây cau đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân Quảng Ngãi. Giá cau lúc đỉnh điểm lên đến 120 nghìn đồng/ buồng cau 120 quả. Riêng các buồng đẹp có giá từ 200-300 nghìn đồng. Cau trái vụ có buồng đẹp có thể lên đến 400-600 nghìn đồng. Thế nhưng vài năm trở lại đây, đặc biệt là đầu năm 2011 đến nay trên cây cau xuất hiện bệnh lạ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất khiến nông dân Quảng Ngãi thất thu hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cho biết, nguyên nhân dẫn đến cau bị giảm năng suất là do một loại bọ cánh cứng sống kí sinh trên cây làm cho lá cau khô héo, nhiều diện tích cau trên địa bàn xã bị cháy lá dẫn đến chết.

Không chỉ Nghĩa Hành, cau bị bệnh lạ còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo anh Võ Văn Danh (54 tuổi, thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền-Tư Nghĩa): Nhiều cây do một loại bọ không rõ nguồn gốc bám sống lâu ngày làm cho lá cau khô, kể cả bẹ cau đang thời kỳ ra hoa cũng khô héo dẫn đến không thể đậu quả. Còn những cây may mắn sống sót thì cho năng suất kém. Hiện nay xã Nghĩa Điền có khoảng hơn 80% cau bị dịch bệnh.

Hiện vườn cau 2,5 sào của gia đình anh Danh có khoảng 250 cây cho quả. “Trước đây, trung bình mỗi sào cau cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Nhưng năm 2010 chỉ kiếm được vài triệu đồng. Tình hình này trong năm 2011 cũng không khá hơn” - anh Danh bộc bạch. Người em trai của anh Danh là Võ Văn Đặng cũng khốn đốn không kém. Đã 2 năm nay vườn cau của anh Đặng không hề đậu quả, nên vợ chồng anh đành phá đi 1/3 diện tích để trồng rau màu cải thiện đời sống.

Ông Hồ Duy Khanh - Trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Hành cho biết: Trạm đã tham mưu cho chính quyền địa phương hướng dẫn người dân phun thuốc bảo vệ thực vật để “chữa bệnh” cho cau. Do cây cau quá cao nên phần lớn dân không chịu phun thuốc dẫn đến số lượng cau bị chết khô ngày càng nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.