Cầu Gianh bị đe dọa

Hiểm họa đang rình rập ngay dưới trụ cầu số 4 của cầu Gianh
Hiểm họa đang rình rập ngay dưới trụ cầu số 4 của cầu Gianh
TP - Một con tàu gãy gấp khúc, kẹp vào trụ cầu khiến cầu Gianh (Quảng Bình) có nguy cơ sập. Con tàu này chở hơn 800 tấn xi măng đã húc vào trụ cầu trong trận lũ lụt hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Hiểm họa đang rình rập ngay dưới trụ cầu số 4 của cầu Gianh
Hiểm họa đang rình rập ngay dưới trụ cầu số 4 của cầu Gianh.

Tàu chìm, đe dọa cầu Gianh

Con tàu đắm có tên Huy Hoàng 26 của Công ty Vận tải Thương mại Trường Thành (trụ sở tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Theo chủ tàu, trong khi nước lũ trên sông Gianh lên to, tàu đứt neo, trôi chìm và vướng vào trụ cầu số 4. Vị trí tàu chìm nằm cách tim luồng 6m và cách mặt nước khoảng 6m. Lúc bị đắm trên tàu có 7 thủy thủ, 2 người bơi được vào bờ, 2 người thiệt mạng và 3 người khác mất tích tới nay.

Con tàu (dài 50,7m, rộng 9,1m và cao 5m) này mắc kẹt ở trụ cầu không chỉ ảnh hưởng đến luồng lạch mà còn đe dọa trực tiếp đến cầu Gianh trên tuyến QL1A. Chưa xác định được mức độ hư hại của trụ cầu, tuy nhiên tình trạng xói lở cục bộ tại trụ cầu số 4 đang diễn ra nghiêm trọng (báo cáo của đơn vị giám định độc lập).

Mặc dù Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ, Cục Đường thủy nội địa đã có nhiều công văn chỉ đạo, tuy nhiên việc trục vớt tàu vẫn dậm chân tại chỗ. Nhà chuyên môn cho rằng, cần nhanh chóng trục vớt con tàu, bởi cầu Gianh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Áp lực dòng chảy do thủy triều lên xuống khiến xác con tàu thường xuyên dịch chuyển, tác động mạnh vào trụ cầu.

Một đại diện của Phòng CSGT Quảng Bình cũng cho biết, xác tàu chìm không chỉ ảnh hưởng tới các phương tiện đường thủy, mà còn có thể gây hậu quả khôn lường tới an toàn của cầu. Đại diện cơ quan quản lý đường bộ cho rằng: Xói lở đang diễn ra tại trụ cầu số 4 và đến một lúc nào đó có thể làm sụt lún trụ cầu. Đặc biệt, nếu lũ lụt xảy ra, thân tàu trở thành vật cản lớn có thể xô đổ trụ cầu.

Bỏ của chạy lấy người?

Theo tính toán, kinh phí trục vớt tàu Huy Hoàng 26 phải mất trên 2 tỷ đồng, trong lúc đó con tàu sau trục vớt chỉ có thể bán làm sắt vụn với giá khoảng 200 triệu đồng. “Đã có lúc chủ tàu có ý định bỏ tàu vì tính ra chi phí trục vớt quá lớn mà con tàu khó có giá trị sử dụng tiếp. Nhưng chúng tôi không nhất trí”, ông Hoàng Tuấn Sơn - Trưởng VP Đại diện Công ty Bảo hiểm Dầu khí Bắc Trung bộ - nơi bán bảo hiểm cho tàu Huy Hoàng cho biết.

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ đắm tàu, Cty Trường Thành đã thông báo tới đơn vị bảo hiểm và đơn vị này đã mời cơ quan giám định độc lập giám định mức độ thiệt hại song vì nước đục, chảy xiết nên kết quả giám định chưa được như mong đợi. Theo ông Sơn, hiện phía bảo hiểm chưa thể chi trả phần kinh phí tạm ứng theo đề nghị của Cty Trường Thành vì chưa có hồ sơ, kết luận của cơ quan chức năng và chưa biết được mức độ thiệt hại của con tàu.

Theo luật, chủ tàu có trách nhiệm trục vớt tàu bị nạn. “Việc trục vớt có thể thực hiện được nếu Cty Trường Thành chịu bỏ kinh phí trước và đẩy nhanh các thủ tục để được chi trả bảo hiểm (tối đa 3,8 tỷ đồng theo hợp đồng), nếu không ngành giao thông sẽ vào cuộc trục vớt tàu và niêm phong tài sản của công ty này để bù đắp chi phí. Không loại trừ việc chuyển hóa hình sự nếu sự cố không được khắc phục kịp thời” - một đại diện của cơ quan hữu quan cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.