Cây cao su thay rừng nghèo kiệt

Cây cao su thay rừng nghèo kiệt
TP - Cách đây gần 50 năm, sau các đồn điền chè và cà phê, cây cao su được chính quyền Ngô Đình Diệm đưa lên trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên.
Cây cao su thay rừng nghèo kiệt ảnh 1
Chế biến mủ cao su. Ảnh: Huỳnh Kiên

Diện tích cao su vùng Tây Nguyên từ hơn 1.000ha năm 1978 tăng lên 125.000ha vào năm 2008. Sau 110 cây cao su đầu tiên có mặt ở Việt Nam, hiện nay, chúng ta đứng thứ sáu thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên và thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, cây cao su phát triển tập trung ở vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều buôn làng giàu lên nhờ cao su. Nhiều doanh nghiệp như Cty Cao su Chư Pah, Cty Cao su Chư Prông, Mang Yang, Cty Cao su Kon Tum… tuyển dụng từ 40 đến 60 phần trăm công nhân là người đồng bào dân tộc tại chỗ.

So sánh với các ngành nghề nông - lâm công nghiệp khác, ngành cao su tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ đạt tỷ lệ cao nhất, hàng vạn lao động. Đến nay, Tây Nguyên có hàng trăm buôn làng, hàng nghìn gia đình tự tổ chức trồng cao su tiểu điền.

Cây cao su vừa được Bộ NN&PTNT xem là cây đa mục tiêu, đồng nghĩa với những cánh rừng cao su  phủ xanh đất trống đồi trọc, phần nào thay thế sự mất mát rừng rất nhanh ở Tây Nguyên trong những năm qua.

Phát triển cây cao su trên đất trống ở Tây Nguyên vừa thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển vừa góp phần cải tạo môi trường. Những năm qua, ai cũng thấy rõ sự đóng góp rất lớn của cây cao su vào đời sống kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên.

Các doanh nghiệp làm cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam, Binh đoàn 15, ngoài việc chăm lo đời sống cho công nhân tham gia trực tiếp vào sản xuất, chế biến mủ cao su, còn góp phần rất lớn xây dựng điện - đường - trường - trạm ở vùng miền núi vùng sâu Tây Nguyên, góp phần đáng kể thúc đẩy vùng sâu phát triển, đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn Tây Nguyên.

Sẽ trồng mới 150.000 ha cao  su ở Tây Nguyên

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn  năm 2020.

Từ nay đến năm 2015, Tây Nguyên sẽ tăng gần 150.000ha cây cao su, gấp đôi hiện nay.

Bộ NN&PTNT lên kế hoạch giai đoạn 2009 - 2010 Tây Nguyên trồng mới khoảng 50.000ha cao su, giai đoạn 2011 - 2015 trồng 100.000ha.

Để trồng mới gần 150.000 ha cao su trên vùng Tây Nguyên, thời gian còn lại chỉ sáu năm, đồng nghĩa với mỗi năm khu vực này trồng mới 25.000ha cao su là việc mà từ trước đến nay chưa năm nào đạt được. Riêng năm 2009, vụ trồng mới cao su xem như đã xong, không tỉnh nào hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nguyên do là vướng mắc tiêu chí thế nào là “rừng nghèo kiệt” - đối tượng rừng được phép chuyển đổi sang trồng cao su. Cả khu vực Tây Nguyên năm 2009 trồng chưa đến 10.000ha cao su, nhiều doanh nghiệp đã ươm cây giống đành bỏ phí do không hoàn thành thủ tục giao đất.

Vì chỉ quan tâm đến chuyển đất rừng sang trồng cao su, coi nhẹ việc tạo cơ chế cho nhân dân trồng theo gia đình trên đất nông nghiệp bạc màu, đất trống nên, khi vướng cơ chế chuyển đổi rừng, mục tiêu trồng mới không thực hiện được.

Để đạt được mục tiêu trồng mới cao su như chủ trương của Chính phủ, chính quyền các địa phương nên năng động khuyến khích nhân dân trồng cao su trên đất trống, đất bạc màu thay vì chỉ nhăm nhăm vào việc chuyển đất rừng sang trồng cao su như nhiều nơi đã làm trong năm 2008-2009 vừa qua.

MỚI - NÓNG